Chuyển đổi số trong quản lý đô thị - Kinh nghiệm từ Đà Nẵng
Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh (ĐTTM) trước hết phải thực hiện chuyển đổi số (CĐS) đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến CĐS trong quản lý đô thị.
Đẩy nhanh CĐS trong quản lý đô thị
Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "đẩy nhanh CĐS trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển ĐTTM".
Thực tiễn về CĐS hiện nay cho thấy, đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về CĐS; 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về CĐS giai đoạn 05 năm. Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ CĐS dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1,0.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai CĐS của địa phương gắn với yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc sở TT&TT thành phố (TP) Đà Nẵng cho biết việc phát triển ĐTTM đã được Thành ủy, UBND TP nhận thức sâu sắc và quyết tâm hành động trong quá trình xây dựng phát triển bền vững TP.
Ngay từ năm 2010, TP Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP. Đến năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức ban hành Kiến trúc thành phố thông minh (TPTM), bao gồm 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; chính thức triển khai Đề án xây dựng TPTM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Đà Nẵng ban hành Đề án CĐS trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định CĐS là "chìa khóa" để giải quyết "điểm nghẽn" của TP, mở ra không gian phát triển mới cũng như để đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu ra.
"Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong hạng mục quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng kỹ thật đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đo thị và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông tin cho người dân", ông Thanh cho biết.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, TP đã đẩy mạnh CĐS và triển khai ĐTTM để cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, DN dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số. Quá trình CĐS kế thừa từ triển khai CQĐT, ĐTTM lấy dữ liệu là trung tâm.
Về hạ tầng số, TP đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 400 km cáp quang ngầm, kết nối các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng lưu trữ đến 170 TB, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TIER III, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng CQĐT và đang được nâng cấp, mở rộng để xây dựng thành phố thông minh.
Đà Nẵng cũng đã thí điểm lắp đặt hệ thống truyền dẫn LoRa tại một số địa điểm để hỗ trợ kết nối và phục vụ giám sát như quản lý xe cứu thương, thùng rác,..; xây dựng mạng WiFi công cộng miễn phí cho người dân với 430 trạm phát sóng. Ngoài ra, TP còn phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) như trung tâm an ninh trật tự, trung tâm giao thông thông minh, trung tâm quan trắc môi trường nước và không khí…
Về dữ liệu số, Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như CSDL công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ - công chức - viên chức, thủ tục hành chính. TP đã phát triển được 560 CSDL chuyên ngành để đưa ra các ứng dụng, dịch vụ thông minh dựa trên dữ liệu. Người dân, DN có thể khai thác dữ liệu này trên kho dữ liệu dùng chung (khodulieu.danang.gov.vn) và cổng dữ liệu mở (opendata.danang.gov.vn) của TP.
Đối với trục thông minh, Đà Nẵng đã xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như hệ thống thư điện tử, ứng dụng một cửa điện tử, ứng dụng góp ý, cổng thanh toán trực tuyến thành phố, cổng đào tạo trực tuyến thành phố. Đồng thời, xây dựng hàng loạt ứng dụng trong các lĩnh vực như ứng dụng DanangFantasticity cung cấp thông tin du lịch, sàn thương mại điện tử thành phố, nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường, hệ thống giám sát giao thông qua camera thông minh, phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử…
Đầu tháng 4 vừa qua, Đà Nẵng cũng đã ra mắt mô hình chợ 4.0. Đây là trong những hoạt động nhằm thúc đẩy CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại; hướng đến triển khai áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn Thành phố. Trong mô hình chợ 4.0, tiểu thương và khách hàng có thể mua bán hàng hóa dễ dàng bằng cách quét mã QR-code trên ứng dụng Viettel Money, không cần dùng tiền mặt.
Từ kinh nghiệm triển khai thực tế của Đà Nẵng, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh cho biết 4 yếu tố quyết định việc triển khai TPTM và CĐS thành công là: vai trò của lãnh đạo (các chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời, nhất quán); liên kết (sự đồng thuận, phối hợp của các cơ quan, cán bộ công chức, người dân); nguồn lực (nguồn ngân sách và huy động nguồn lực DN trong nước và quốc tế) lâu dài (tầm nhìn dài hạn, lộ trình cụ thể).
Tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong triển khai xây dựng TPTM và CĐS
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng, cho biết, TP xác định đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng ĐTTM kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn khi các văn bản trước đây chỉ mang tính chất hướng dẫn, chưa có quy định áp dụng công nghệ số. Các sản phẩm công nghệ số có xu hướng tích hợp với đa chức năng, trong khi chức năng quản lý nhà nước được phân cho nhiều cơ quan cũng là một rào cản khi lựa chọn đơn vị quản lý các sản phẩm công nghệ số. Ngoài ra, nhà đầu tư khu CNTT, công viên phần mềm vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất,... do vướng mắc trong các quy định pháp luật. Đầu tư từ ngân sách cũng vướng do quy định của Luật Quản lý tài sản công.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, tuy nhiên, chỉ mới đề cập một số quy định, quy tắc chung về dữ liệu mở; chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về xác định dữ liệu mở, mức độ mở của dữ liệu, chưa có quy định về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Thanh đề xuất Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng khung chính sách thử nghiệm (sandbox) để thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới ứng dụng công nghệ số; ban hành hướng dẫn về mức độ mở của dữ liệu cũng như chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở... để thúc đẩy kinh tế số./.
Nguôn: Tạp chí thông tin và truyền thông