Cập nhật lúc: 04/10/2021

Tìm cơ hội cho phim Việt 'xuất ngoại'

Tham dự các Liên hoan phim quốc tế là cơ hội để lan tỏa các giá trị văn hóa và tìm thương hiệu cho phim Việt. Tuy nhiên, nhiều quy định hiện hành trong Luật Điện ảnh lại là trở ngại để phim Việt 'ra biển lớn'.

Cấp “visa” cho phim

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, có một thực trạng hiện nay các bộ phim Việt Nam khi tham dự các Liên hoan phim quốc tế đang “cố làm” đúng Luật Điện ảnh. Chính vì “sự cố” này mà hầu hết các bộ phim muốn đi thi quốc tế đều phải chỉnh sửa, làm mờ các chi tiết nhạy cảm để có được giấy phép. Tuy nhiên, phim khi tham gia các Liên hoan phim quốc tế không thể trình chiếu bản sửa hay làm mờ mà phải chiếu bản full, bản gốc. Đây chính là nguyên nhân mà thời gian qua các nhà làm phim đang đấu tranh để phim tham dự các sân chơi quốc tế có được những hình thức biểu đạt rõ ràng, toàn vẹn.

Đạo diễn Phan Đăng Di cũng đề xuất, có thể thành lập hội đồng thẩm định riêng cho những phim này. Hội đồng hoạt động phi lợi nhuận, không hưởng lương, phụ cấp trích ra từ Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh hoặc các khoản đầu tư điện ảnh khác hàng năm Nhà nước cấp. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí kiểm duyệt của Hội đồng này sử dụng sẽ có những quy định riêng với quan điểm mở cho những sáng tạo. Hiện nay, việc kiểm duyệt phim đang được làm một cách quá chi tiết, máy móc, chi tiết về thủ tục hành chính. Chúng ta nên có những cách nhìn thông thoáng để tạo mọi điều kiện để phim đến được đích xa nhất. Ngoài ra chúng ta nên cấp “visa” cho những phim được mời tham gia các Liên hoan phim quốc tế ngay cả khi phim chưa ra được bản chính, nếu phim đã đáp ứng được những tiêu chí riêng được Hội đồng thẩm định nêu trên chấp thuận. Ngoài ra, những bộ phim này sẽ được tự do trình chiếu ngoài Việt Nam. Nếu phim có kế hoạch phát hành tại rạp chiếu cần đáp ứng các quy định như đối với phim thông thường. Đặc biệt, nên áp dụng cơ chế đối thoại trực tiếp giữa nhà làm phim và các Hội đồng thẩm định.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lấy ví dụ về bộ phim “Ròm” để mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) sắp tới có những thay đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, tránh đưa nhà sản xuất phim từ vô tội thành có tội. Theo đạo diễn, trong nhiều năm đội ngũ thực hiện phim “Ròm” đều là người Việt nhưng ở những khâu cuối cùng, phim có sự tham gia của nhà sản xuất Bảo Nguyễn - một Việt kiều. Khi dự án có “yếu tố nước ngoài” thì theo luật hiện hành, kịch bản phim phải được kiểm duyệt trước dẫn đến chuyện phim “Ròm” làm sai luật. Với lý do trên nhà sản xuất của bộ phim là Bảo Nguyễn chấp nhận rút tên để phim đi đúng luật nhưng việc đó không công bằng.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng góp ý: Luật Điện ảnh cần thay đổi để đừng biến người làm phim đột nhiên trở thành người vi phạm pháp luật, bởi việc hợp tác sản xuất quốc tế sẽ ngày càng phổ biến trong quá trình làm phim. Có những người tìm cách du di, lách luật để giúp nhà làm phim nhưng tôi nghĩ đó không phải là cách tốt.

Cẩn thận để tránh phạm luật

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, hiện nay có rất nhiều bộ phim của Việt Nam khi đi thi các Liên hoan phim quốc tế đang rơi vào hoàn cảnh là phải gửi những bản phim thường chưa hoàn chỉnh (màu sắc, âm thanh). Sau đó, khi nhận được một thư đồng ý của Ban tổ chức Liên hoan phim thì mới chính thức có cơ hội đi dự thi quốc tế. Tuy nhiên với Hội đồng thẩm định, phân loại phim ở Việt Nam lại yêu cầu phim phải là bản hoàn chỉnh và đã được đóng gói. Điều này đã gây nên mâu thuẫn vì bộ phim cần phải gửi cho Ban tổ chức Liên hoan phim để đợi kết quả, sau đó mới biết tương lai phim có được tham gia hay không? Trong khi đó về thủ tục, bộ phim lại cần phải có giấy cấp phép phổ biến của Nhà nước. Nếu như bộ phim chưa làm điều này thì việc được mời tham ra các Liên hoan phim quốc tế rất dễ đưa các đoàn làm phim trở thành đối tượng phạm luật.

Một dẫn chứng rõ nhất về trường hợp này chính là bộ phim “Đập cánh giữa không trung”. Năm 2014, khi đoàn làm phim đang dựng phim tại Pháp thì nhận được lời mời của Liên hoan phim Venice. Lúc đó, chúng tôi không biết làm cách nào để có thể xin Cục Điện ảnh duyệt gấp từ bản dựng. Rất may, ở thời điểm đó Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định đã có cơ chế duyệt nhanh để phim kịp tham gia Liên hoan phim. Bởi nếu áp dụng theo đúng quy định của Luật là 15 ngày phim mới nhận được công văn trả lời, cũng như yêu cầu về sửa chữa thì phim đã hết cơ hội tham gia Liên hoan phim.

Về vấn đề này, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cũng bày tỏ, đối với những bộ phim độc lập nhỏ và ngân sách thấp thì thường ê kíp đi theo quy trình làm cuốn chiếu, cái gì cũng làm dần dần. Nhiều ê kíp khi nhận được tin vui từ Liên hoan phim rồi thì mới dám đi tiếp, tìm kiếm thêm nguồn tài chính và làm bản phim kỹ thuật số (DCP) hoàn chỉnh, rất tốn kém…

Nhà sản xuất cũng bày tỏ, thị trường đang phát triển, số lượng phim cần sản xuất hàng năm tăng rất nhanh nhưng nhân sự không đáp ứng kịp. Cho nên việc sử dụng nhân sự phim nước ngoài đang rất phổ biến. Ngoài ra, còn có những trường hợp đồng sản xuất nhưng họ xuất hiện khá trễ, do đó để đáp ứng theo sự phát triển nhanh của thị trường thì cần đơn giản thủ tục, chỉ nên căn cứ lên bản phim cuối cùng để rút ngắn thời gian.

                                                                                                                Minh Quân 
In Gửi Email