Thưởng thức miễn phí 42 phim Việt tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII) gồm các sự kiện như Chương trình phim dự thi; Chương trình phim không dự thi; Chương trình Tọa đàm; Chương trình Khai mạc; Chương trình Bế mạc và Trao giải thưởng; các hoạt động phối hợp. Trong đó, chương trình chiếu phim phim tuyển chọn từ các nền điện ảnh trong và ngoài nước được quan tâm hơn cả, khi mới đây, BTC đã thông báo khán giả có dịp thưởng thức 42 bộ phim Việt Nam đa dạng các thể loại
Poster HANIFF VII
Bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam tham dự hạng mục Phim dài dự thi là Ngày xưa có một chuyện tình. Bộ phim cũng được chọn chiếu khai mạc HANIFF VII. Bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh dự kiến chiếu rạp vào cuối tuần này. Ngày xưa có một chuyện tình xoay quanh câu chuyện tình bạn, tình yêu giữa hai chàng trai và một cô gái từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, phải đối mặt với những thử thách của số phận. Ba nhân vật Vinh - Miền - Phúc đã cùng yêu, cùng bỡ ngỡ bước vào đời, va vấp và trải qua từng ngã rẽ trong cuộc đời.
Phim “ Ngày xưa có một chuyện tình”
Bên cạnh đó, khó thể bỏ qua những tác phẩm khác nằm trong 8 bộ phim ngắn dự thi của Việt Nam gồm: Cây ổi thiên đường; Đi về phía mặt trời; Giấc mơ làm du lịch của người bản địa Tây Nguyên; Linh ảnh; Nguồn cội; Người ơi, đừng khóc cuối đường; Nụ cười; Tẹo. Chương trình phim Việt Nam đương đại gồm 33 bộ phim trong đó có 21 phim truyện; 6 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình.
Chương trình phim Việt Nam đương đại sẽ mang đến cho khán giả cơ hội thưởng thức 21 bộ phim truyện đặc sắc gồm: Bà già đi bụi; Bên trong vỏ kén vàng; Cám; Đào, phở và piano; Đóa hoa mong manh; Gặp lại chị bầu; Giải cứu anh thầy; Hoa táo nở; Hồng Hà nữ sĩ; Kẻ ẩn danh; Kẻ ăn hồn; Làm giàu với ma; Mai; Móng vuốt; Nhà bà Nữ; Những bức tường; Quỷ cẩu; Siêu lừa gặp siêu lầy; Tiểu đội hoa hồng; Trước giờ "Yêu"; Vầng trăng thơ ấu.
Phim “ Bà già đi bụi”
6 bộ phim tài liệu trong chương trình phim Việt Nam đương đại gồm: Khát vọng thiên thanh; Nắng nhuộm lụa vàng; Ngàn năm sênh phách; Tìm lại tuổi thơ qua trò chơi dân gian; Tội ác phía sau lòng tin và Thư gửi mẹ.
6 bộ phim hoạt hình tham gia Chương trình gồm: Cá chép của ông Táo; Cá rô đi lạc; Cô bé tóc xù; Đội lân sư nhí nhố; Giấc mơ của con và Tái sinh.
Lịch chiếu phim cụ thể sẽ được TGĐA cập nhật sớm nhất. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII dự kiến diễn ra từ ngày 5 - 7/11. Điểm nhấn là Chương trình Khai mạc gồm chiếu phim khai mạc diễn ra từ 15h00 - 17h00 ngày 07/11 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội; Chương trình thảm đỏ diễn ra từ 17h30 - 19h30 ngày 07/11 tại sảnh khuôn viên phía trước Nhà hát Hồ Gươm, 40 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lịch chiếu phim sẽ sớm được gửi tới khán giả.
Lễ Khai mạc (truyền hình trực tiếp trên sóng VTV và HTV) diễn ra lúc 20h00 - 21h30 ngày 07/11 tại Nhà hát Hồ Gươm. Chương trình Bế mạc và Trao giải thưởng gồm chương trình thảm đỏ diễn ta từ 17h30 - 19h30 ngày 11/11 tại sảnh, khuôn viên phía trước Nhà hát Hồ Gươm; Lễ Bế mạc và Trao giải thưởng (truyền hình trực tiếp trên sóng VTV và HTV) diễn ra lúc 20h00 - 22h00 cùng ngày tại Nhà hát Hồ Gươm.
Ngoài ra, Chương trình Tọa đàm gồm Tọa đàm 1 với chủ đề "Tiêu điểm điện ảnh Đức" dự kiến diễn ra ngày 08/11 với nội dung gồm những bài học kinh nghiệm về sản xuất phim của điện ảnh Đức; cách khai thác đề tài mang tính con người, xã hội và nhân văn; Phân tích cách kể chuyện đa chiều sáng tạo, xu hướng làm phim của điện ảnh Đức hiện nay.
Tọa đàm 2 với chủ đề "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" diễn ra ngày 09/11 gồm những vấn đề đặt ra khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; đổi mới tư duy của các nhà làm phim khi khai thác đề tài lịch sử; giải pháp nâng tầm và phát triển các dòng phim, kinh nghiệm quốc tế.
Trích dẫn “thegioidienanh.vn”