Phim Việt thu 1.500 tỉ và nỗi lo xâm lăng văn hóa
"Chúng ta đang chứng kiến thực trạng "xâm lăng văn hóa", vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, xem YouTube, các kênh nước ngoài dễ hơn truyền hình Việt Nam" - ông Nguyễn Thanh Lâm, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào ngày 22-12.
Nhân hội nghị này, Tuổi Trẻ ghi nhận bức tranh toàn cảnh và ý kiến các chuyên gia, nhà sản xuất phim Việt.
Thu 1.500 tỉ nhưng chưa bền vững
Theo tiến sĩ Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam, năm 2023 phim ảnh khởi sắc trở lại do đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Điện ảnh mới.
Dự tính tổng doanh thu phòng vé rạp Việt năm 2023 (tính cả phim nước ngoài) đạt 3.700 tỉ đồng, phục hồi 88% so với trước dịch, khả quan hơn một số nước trong khu vực.
Tỉ lệ doanh thu phim Việt so với phim nước ngoài tăng so với những năm trước, chiếm khoảng 42% (1.563 tỉ đồng).
Ngoài tín hiệu đáng mừng, cần nhìn nhận những con số trăm tỉ, ngàn tỉ một cách thực tế.
Nói với Tuổi Trẻ, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Công ty BHD - nhận định: "Đúng là khán giả Việt thích phim Việt nhưng doanh thu như vậy vẫn chưa bền vững bởi rất lâu mới có một phim Việt ăn khách, thêm yếu tố đặc biệt năm nay phim Mỹ không ăn khách ở ta.
Có thể thấy công nghiệp điện ảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc hoàn cảnh thị trường, số phim Mỹ thấp quá thì tỉ lệ phim Việt mới cao vậy, trong khi một ngành công nghiệp phải vững chắc.
Cái này chính sách có thể hỗ trợ. Lâu nay ở Việt Nam có "quản lý văn hóa" chứ chưa có "quản lý công nghiệp văn hóa" - quản lý nội dung chứ chưa có chính sách hỗ trợ công nghiệp".
"Chúng ta phải có phim cái đã"
Bà Hạnh cho rằng để công nghiệp điện ảnh phát triển, cần có thêm chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất làm được nhiều phim Việt hơn.
Khi điện ảnh Việt Nam có nhiều phim tốt thì mới cạnh tranh được.
Đồng quan điểm, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - cho rằng: "Chúng ta phải có phim cái đã".
Cụ thể, ông Thành nói: "Về câu chuyện tỉ lệ ăn chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất, hay chuyện "xâm lăng văn hóa" khi phim nước ngoài tràn ngập, chiếm hết thời lượng trên các nền tảng cũng như ngoài rạp - đó là thực tế nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế khác, cốt lõi hơn: Chúng ta phải có phim cái đã.
Hiện nguồn lực đầu tư kinh phí làm phim hạn chế, chúng ta không có nhiều phim nội, đương nhiên phim ngoại tràn vào".
Là nhà quản lý, ông Vi Kiến Thành ghi nhận năm 2023 cho thấy nỗ lực rất lớn của các nhà sản xuất phim tư nhân.
"Năm 2023, Việt Nam sản xuất 40 phim chiếu rạp. Đó là bước tiến rất tích cực sau ba năm dịch COVID-19, tuy nhiên còn quá ít so với nhu cầu.
Trong luật cũng đã quy định tỉ lệ % giữa phim ngoại, phim nội nhưng số phim nội mỗi năm có đạt con số % ấy đâu. Không có phim thì chúng ta phải chấp nhận "xâm lăng văn hóa".
Nên Nhà nước, tư nhân cần đầu tư hơn nữa để có nhiều phim. Khi đó, phim nước ngoài có muốn "xâm lăng" cũng khó" - ông Thành phân tích.
Ước mơ sản phẩm phụ trội từ phim ảnh
Trên truyền hình, phim Việt vẫn có những bộ phim bùng nổ lượt xem và bàn luận như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Gia đình mình vui bất thình lình, Chúng ta của 8 năm sau...
Còn trên các nền tảng khác, ngoài bán bản quyền các phim cũ, có một số series Việt Nam sản xuất mới chiếu trực tuyến và dù chất lượng trồi sụt thì phim Việt khi mới ra mắt vẫn hay vào top có lượt xem cao trên các nền tảng khác nhau, cho thấy khán giả có nhu cầu tìm xem phim Việt.
Một chiến lược đang có những thành công ban đầu là làm series cùng với phim chiếu rạp, nhờ đó chất lượng series có thể tăng lên, còn phim rạp cũng tận dụng được danh tiếng của series.
Bởi phim rạp mới có cơ hội thu tiền tỉ từ bán vé, còn series chỉ có thể bán bản quyền phát sóng (thường ít hơn nhiều).
Có thể kể một số thành công điển hình khi phim rạp có bản web drama, series trực tuyến như Bố già, Chị Mười Ba và nay là Tết ở làng Địa Ngục - Kẻ ăn hồn...
Gần đây, phim Tết ở làng Địa Ngục dẫn đầu lượt xem trên Netflix nhiều tuần liền, còn phim rạp "chị em" của nó là Kẻ ăn hồn cũng vừa thu hơn 52 tỉ đồng tại rạp.
Có người còn mặc cổ phục Việt lấy cảm hứng từ phim để đi xem phim. "Tôi rất xúc động vì rõ ràng khán giả khao khát những bộ phim có tính Việt đậm đà" - nhà sản xuất Hoàng Quân nói.
Nhưng là "công nghiệp văn hóa" thì phim ảnh phải có cơ hội lan tỏa và thu lợi nhuận không chỉ từ trình chiếu.
Đã có một số khán giả tự tay làm các đồ lưu niệm, trang phục, đan len, móc áo, làm đồng xu... lấy cảm hứng từ Tết ở làng Địa Ngục, hay mặt nạ chuột làm từ giấy bồi và mặt nạ hình nhân lấy cảm hứng từ Kẻ ăn hồn.
Đó là những dạng vật phẩm mà nước ngoài từ lâu đã tận dụng rất hiệu quả để tạo thành ngành công nghiệp đồ lưu niệm, đồ chơi, tạo xu hướng tiêu dùng ăn theo phim ảnh như công chúa Elsa, Anna.
Nhiều nhà sản xuất phim Việt từng bày tỏ mơ ước làm merchandise (thúc đẩy bán hàng) để các bộ phim có thêm đời sống bên ngoài màn ảnh, đi vào tiêu dùng chứ không chỉ dừng lại ở nghe nhìn như hiện nay.
Phim Việt được ưu ái về suất chiếuNăm 2023, nếu tính về số lượng suất chiếu được phân bổ theo thống kê của Box Office Vietnam, phim Việt được các nhà rạp khá ưu ái. Chẳng hạn, theo con số do Box Office Vietnam cung cấp cho Tuổi Trẻ, phim Chiếm đoạt (Việt Nam) hai tuần liên tiếp có số suất chiếu nhiều nhất dù số vé bán ra chưa bằng các phim Hàn Quốc và Disney (Mỹ) ra cùng lúc. Số suất chiếu của phim Kẻ ẩn danh (Việt Nam) gấp đôi phim hoạt hình Nhật Bản ra cùng thời điểm. Tương tự, Fanti, một phim không có gương mặt nào bảo chứng phòng vé, được xếp suất cao thứ nhì dù phòng vé tháng 7 rất sôi động với các phim ngoại như Conan, Nhiệm vụ bất khả thi và Xứ sở các nguyên tố. Không nên coi nhẹ doanh thu phimChia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Vi Kiến Thành cho rằng để phát triển công nghiệp điện ảnh, cả ba đối tượng là cơ quan quản lý, nghệ sĩ, khán giả đều phải thay đổi nhận thức. Cơ quan quản lý có dám cho và ủng hộ nghệ sĩ làm công nghiệp văn hóa không? Vấn đề của công nghiệp văn hóa vẫn là sản phẩm và phải có người xem/tiêu thụ/mua/sử dụng thì mới gọi là công nghiệp văn hóa. Nhưng dường như ta đang đặt lên sản phẩm công nghiệp văn hóa quá nhiều trách nhiệm và ít nhiều coi nhẹ yếu tố doanh thu. Về nghệ sĩ, họ "cần một sự ủng hộ thực sự, thực chất và hiệu quả chứ không phải ủng hộ trên lý thuyết". Về khán giả, trước tình hình càng đa chiều và phức tạp thì công tác phê bình lý luận nghệ thuật cần phải phát triển và góp phần định hướng. |