Phim Em và Trịnh: Thành công ở mức tài liệu nghệ thuật?
Nét diễn sinh động của Bùi Lan Hương tỏ ra lệch pha với vẻ chàng màng cố hữu của Avin Lu |
Phát hành kiểu tận thu?
Nhà sản xuất “giật tít” trước giờ công chiếu: “Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam sẽ có hai phim về Trịnh Công Sơn ra rạp cùng lúc”. Một tháng trước đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tiết lộ: “Anh Nguyễn Quang Dũng được cử đi làm đạo diễn cho phim tài liệu dựa trên tất cả những cuộc phỏng vấn lấy tư liệu cho phim trong suốt hai năm. Dự kiến phim tài liệu đó cũng ra đợt tới luôn”. Hẳn có lý do gì đó khiến bộ phim tài liệu được mong chờ này bị thay bằng một phiên bản điện ảnh khác.
Ngay trước những suất chiếu sớm, phía phát hành nói với báo chí: “Việc có tới hai bộ phim cùng lúc về Trịnh Công Sơn là một bất ngờ ngay cả với chính chúng tôi… Xem lại gần 1.000 giờ quay, chúng tôi đã kinh ngạc khi phát hiện ra có đến hai câu chuyện, hai góc nhìn rất khác biệt về người nhạc sĩ, mà góc nhìn nào cũng có những nét đặc biệt thú vị. Vì thế chúng tôi đã làm hai bộ phim để mong mỏi được chia sẻ điều thú vị đó...”. Với những cách diễn đạt mạnh mẽ như “bất ngờ”, “kinh ngạc”, “rất khác biệt”… ai chẳng tưởng đó là hai phim khác hẳn nhau. Vì thế mà nhiều người xem cả hai rồi mới ngã ngửa chúng chính là một.
Tức Em và Trịnh là bản phim dài, đem cắt đi 40 phút sẽ cho ra Trịnh Công Sơn. Việc kỷ lục làm hẳn hai phim phát hành cùng lúc hóa ra không có gì khó. Sau khi xem cả hai phim, tôi nhận thấy Trịnh Công Sơn đâu có mỗi cảnh mô tả giấc mơ của nhạc sĩ khi đang bị ốm là không có trong Em và Trịnh.
40 phút thêm vào chính là chuyện tình của nhạc sĩ với Michiko. Trịnh Công Sơn chẳng qua là những đoạn hồi tưởng của nhạc sĩ trong khi trò chuyện cung cấp tư liệu cho Michiko làm luận văn thạc sĩ. “May” mà chúng tôi xem bản phim ngắn trước. Chứ ngược lại thì còn thấy tiếc thời gian hơn nữa. Vì những gì mình vừa xem xong lại được tua lại. Phim không dở nhưng dứt khoát không hay đến nỗi vừa xem xong đã muốn xem lại.
Cách phát hành này đương nhiên chưa có tiền lệ vì chả ai “dám” làm. Kể cả khi nhà phát hành thật thà hơn, nói rõ Trịnh Công Sơn là bản rút gọn và có thể bán vé với giá mềm hơn, như một cách kích cầu để khán giả nào xem xong mà thích hẵng tiếp tục xem bản đầy đủ, thì kiểu phát hành nước đôi này vẫn khó khả thi. Muốn kéo khán giả đến rạp cùng lúc xem cả hai, chỉ còn cách “lập lờ” như hiện giờ. Để rồi được thêm chút tiền vé kèm theo sự khó chịu, mất lòng tin của khán giả. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến chính hiệu quả của cả dự án. Nếu ai chỉ xem Trịnh Công Sơn (cái tên rõ ràng rộng hơn Em và Trịnh) sẽ có đánh giá chưa chuẩn vì không mạch lạc như bản đầy đủ. Đây chỉ như là những thước phim đẹp minh họa cho hoàn cảnh ra đời của các ca khúc.
Phần Trịnh nhảy múa (kiểu Lalaland) cùng Michiko nên tách ra thành MV riêng chứ chẳng liên quan đến tổng thể phim |
Trịnh nhạt nhòa trước các "em"
Bản Em và Trịnh không chỉ có Michiko- “em” duy nhất (trong phim) đã tới ngủ trong nhà nhạc sĩ. Mà còn có thêm các tình huống và lời thoại khắc họa sâu thêm các mối quan hệ của Trịnh, nhất là với Khánh Ly. Có thể việc dặm thêm mắm muối chưa chắc đã làm hài lòng nguyên mẫu nhưng rõ ràng phần Khánh Ly có sức nặng, cảm xúc và độ hợp lý nhất định.
Sự xuất hiện của Bùi Lan Hương ấn tượng không phải vì cô giống Khánh Ly hay diễn xuất quá tốt. Vài chỗ ánh mắt bị dữ hơn mức cần thiết. Nhưng Hương tạo được nét tự nhiên, sống động cho nhân vật. Và ở những đoạn cao trào, Hương chạm được đến cảm xúc khán giả.
Có lẽ vì là ca sĩ nên Hương thể hiện ra ngay được cái cốt cách nghề nghiệp trong vai diễn đầu đời, mà chưa cần phải rập khuôn cung cách của Khánh Ly. Nếu Hương thành công bằng những điểm nhấn thì Nakatani Akari thể hiện vai Michiko một cách mượt mà, đều tay từ đầu tới cuối. Nữ Youtuber người Nhật tỏ ra có tố chất của một diễn viên chuyên nghiệp. Tất nhiên là vai diễn này dù chiếm nhiều thời lượng nhưng cũng khá nhẹ nhàng. Và đến cảnh kịch tính khó thể hiện nhất thì đạo diễn đã để cho nhân vật biến đi rồi.
Khoảnh khắc Dao Ánh xuất hiện không ép-phê lắm nhưng càng về sau nhân vật càng rõ nét tính cách của một người đàn bà trẻ con đủ hấp dẫn để khuấy động được trái tim của nhạc sĩ. Đạo diễn nhận định đây là mối tình sâu đậm nhất của Trịnh Công Sơn. Và theo cắt nghĩa của phim, nguyên nhân chủ yếu khiến hai người không đến được đám cưới là sự ngăn cản từ tinh tế đến tinh vi của bố mẹ Dao Ánh.
Lẽ ra, ê-kip làm phim Em và Trịnh phải cày nát Huế để tìm ra người thủ vai Trịnh Công Sơn cái đã. Ngoại hình Trần Lực đã ít giống Trịnh thêm tiếng Huế giả lại càng khó cho anh trong lột tả nhân vật. Một bất lợi nữa cho người đóng Trịnh Công Sơn là kịch bản vẫn chủ yếu để nhạc sĩ thoại và đọc (thư) mà ít tính hành động. Nói cách khác nhân vật vẫn chưa đủ sức sống nội tại để thuyết phục khán giả, vẫn thiên về một ví dụ minh họa cho nguyên mẫu.
Nói chung đạo diễn tỏ ra sáng suốt khi làm phim về nhạc sĩ thông qua mối quan hệ với các nàng thơ (với “em” nào, nhạc sĩ cũng có sáng tác đề tặng). Phần về thời cuộc cũng được dành cho một thời lượng nhất định, góp vào phim một số cảnh kịch tính nhất. Tuy nhiên có vẻ mảng này không phải thế mạnh của đạo diễn. Dựng được chân dung Trịnh Công Sơn đã quá khó rồi, nói gì tới những văn nghệ sĩ cùng thời đấu tranh phản chiến.
So với sự sinh động của các “em” thì nhạc sĩ do Avin Lu và Trần Lực thủ diễn thành ra hơi lép và lệch pha. Rõ ràng cả hai đều đang phải rướn, phải ráng cho giống một hình ảnh mà họ chưa nắm bắt được. Mà không có được sự tung tẩy, bứt khỏi nguyên mẫu của Bùi Lan Hương. Tất nhiên là áp lực cho vai Trịnh Công Sơn lớn hơn cả, và để hóa giải còn cần cả sự tương hỗ từ đạo diễn và cả kịch bản.
Avin Lu lợi thế hơn vì là ca sĩ. Anh cũng tạo ra được một thần thái xuyên suốt cho nhân vật, dù vẫn nặng về ngây ngô, ngơ ngác. Và cả hai vai diễn đều cho thấy một Trịnh Công Sơn dễ rung động, dễ “mất bình tĩnh” trong quan hệ với các người đẹp. Biểu cảm của Trần Lực khi mối tình với Michiko kết thúc đúng là như vậy. Anh diễn ra được cái bối rối thất thần như của bất cứ ai rơi vào cảnh huống đó… Hình ảnh về Trịnh Công Sơn (trong tình yêu) rút ra từ bộ phim hơi tội nghiệp một chút. Nó dễ gây nên sự thương cảm nhiều hơn là đồng cảm, chưa nói đến rung cảm.
Kịch bản phim cho thấy vẫn khá lệ thuộc tư liệu, mà tư liệu về nhạc sĩ thì quá nhiều tất sẽ gây nên một sự quá tải để có thể xử lý, “tiêu hóa” trong thời gian quy định của nhà sản xuất. Nếu đạo diễn có trong tay một cuốn truyện (tiểu thuyết) hay về Trịnh Công Sơn, chắc mới nâng tầm phim được. Còn nếu dùng lăng kính của phim tiểu sử kiểu tài liệu nghệ thuật áp vào thì Em và Trịnh có khi lại thành công vượt mức. Vì sự thưởng thức phim vẫn đang nấn ná ở việc quan sát những hình ảnh tái hiện về cuộc đời nhạc sĩ chứ khán giả chưa được sống với những khóc cười của một thân phận lớn.