Nhớ lại thời chiến tranh, đã có không ít tác phẩm điện ảnh thành công, được khán giả trong nước chào đón và nhiệt liệt hưởng ứng, như: “Vợ chồng A Phủ” (năm 1961), “Con chim vành khuyên” (năm 1962), “Chị Tư Hậu” (năm 1963), “Nguyễn Văn Trỗi” (năm 1966), “Nổi gió” (năm 1966), “Đường về quê mẹ” (năm 1971), “Vĩ tuyến 17-ngày và đêm” (năm 1972), “Em bé Hà Nội” (năm 1974), “Đến hẹn lại lên” (năm 1974)... Mỗi bộ phim là một câu chuyện về lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phim thành công bởi đã phản ánh được đúng tinh thần của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức trên được chứng minh rõ hơn khi phân tích sâu nguyên nhân thành công của hai bộ phim thời hậu chiến là “Cánh đồng hoang” (sản xuất năm 1979, huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow, năm 1981) và “Bao giờ cho đến tháng mười” (sản xuất năm 1985, Giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Hawaii, Mỹ năm 1987, năm 2008 được CNN bình chọn là một trong 18 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại). Bí quyết tạo nên thành công của hai phim không gì khác ngoài dấu ấn đậm nét của bản sắc văn hóa dân tộc. 

Bước vào cơ chế thị trường từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, các nhà sản xuất tư nhân khi làm phim thường nhằm mục đích thu lãi. Vì vậy, hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Những thể loại phim dễ thu hút khách nhất là hành động, kinh dị, hài, tình cảm... Điều này dẫn tới nhiều bộ phim xa rời cuộc sống, lấy con người và đời sống Việt Nam là cái cớ để chở những câu chuyện giật gân hoặc tình ái ướt át. Đã có lúc không ít phim kém về nghề, thẩm mỹ thấp, “được” báo chí gọi là “phim nhảm” ra rạp, ảnh hưởng đến diện mạo nói chung của ĐAVN.

Phát triển nội lực điện ảnh Việt Nam để có tác phẩm xứng tầm sự nghiệp đổi mới đất nước
Cảnh phim "Những người viết huyền thoại" đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.Ảnh do đoàn phim cung cấp 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngành điện ảnh đề xuất khẩu hiệu “Vì một nền ĐAVN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, số tác phẩm thành công không nhiều, trong vài thập kỷ chưa có được những tác phẩm đỉnh cao. Thị trường điện ảnh phát triển “nóng” với mức tăng trưởng khoảng 20-25%/năm nhưng chưa bền vững, thị phần phim nhập áp đảo, chiếm 70% khiến phim nội bị lép vế.

Làm thế nào để phát triển nội lực ĐAVN? Làm thế nào để có những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao, tầm cỡ? Đó là câu hỏi đau đáu trong nhiều năm qua của những người làm điện ảnh Việt. Xin được nêu ra một số suy nghĩ về tư duy sáng tác để xây dựng tác phẩm đỉnh cao cho ĐAVN.

 Đi từ cội nguồn truyền thống dân tộc đến hiện thực cuộc sống hôm nay

Xu thế toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại. Vấn đề gìn giữ và phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc trở nên quan trọng là điều đã rõ ràng. Một nền điện ảnh muốn tìm được vị trí của mình trên trường quốc tế cần phải có những tác phẩm đậm màu sắc dân tộc. Màu sắc dân tộc có đủ sức thuyết phục hay không phụ thuộc vào bộ phim có phản ánh được những vấn đề cốt lõi của xã hội, có khơi được đến tận cùng bản chất của cuộc sống hay không.

Cuộc sống hôm nay một mặt thừa hưởng nền tảng tinh thần của truyền thống dân tộc, mặt khác được phát triển phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại của một đất nước đang từng ngày từng giờ đổi mới và đi lên. Có nhiều điểm đồng thuận giữa truyền thống và cuộc sống hiện đại. Nhưng có những “nếp cũ” từng là chuẩn giá trị trong xã hội thuần nông cản trở bước đi lên của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngược lại, có những trường hợp chạy theo cái gọi là “hiện đại”, “thời thượng” trong cách sống, trong quan hệ ứng xử... mà phá vỡ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đối với trường hợp này cần có sự phân tích, phê phán thích đáng những biểu hiện lệch lạc, nông cạn, thực dụng... sẽ dẫn đến nguy cơ mất gốc.

Hiện thực cuộc sống trong phim chưa có sức thuyết phục mạnh mẽ, chưa đạt tầm khái quát cao bởi nhà sáng tác còn thiếu vốn sống, chưa thực sự lăn lộn, nếm trải cuộc sống của nhân dân. Các nhà làm phim Việt Nam cần có sự chủ động đào xới, tìm hiểu truyền thống dân tộc để có cái nhìn xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Họ cũng cần có sự thâm nhập thực tế nghiêm túc để nắm bắt những vấn đề xã hội, thấu hiểu những nỗi niềm, tình cảm và khát vọng của người dân để từ đó đúc kết, khái quát hiện thực bằng những hình tượng màn ảnh sống động và có sức thuyết phục cao.

Đổi mới tư duy sáng tác phù hợp với tinh thần thời đại

Tư duy của người sáng tác quyết định tầm nhìn thế giới, nhận thức về cuộc sống và những vấn đề được phản ánh trong tác phẩm. Việc phát huy bản sắc dân tộc để bảo vệ và tận dụng sức mạnh nội lực, đồng thời lựa chọn hướng đi phù hợp để phát triển theo xu thế hiện đại và tiến bộ của nhân loại là mục tiêu của Việt Nam. Chính vì vậy mà điện ảnh cần phản ánh với một tư duy cập nhật những vấn đề mang tính toàn cầu như đấu tranh vì quyền bình đẳng giữa các dân tộc, lên án sự bất công giàu nghèo, chống chiến tranh, xung đột sắc tộc và tôn giáo, chống bạo lực và khủng bố, đấu tranh với những tệ nạn xã hội và căn bệnh thế kỷ AIDS, bảo vệ môi trường sinh thái... Và hiện nay, một thảm họa đang làm đảo lộn cuộc sống của cả thế giới là sự hoành hành của đại dịch Covid-19.

Mặt khác, dù phản ánh những vấn đề toàn cầu nhưng vẫn phải xuất phát từ chỗ đứng và góc nhìn của dân tộc mình. Dân tộc Việt Nam cần được đặt trong mối liên hệ với khu vực và quốc tế. Không thể chỉ sống với hào quang quá khứ mà phải thấy những hạn chế, thử thách mà dân tộc đang phải đối mặt. Đã có giai đoạn các nhà ĐAVN nặng về lối tư duy một chiều: Chỉ khẳng định, chỉ cổ động, chỉ quan tâm đến tính giáo dục của bộ phim. Tư duy hiện đại cần một sự đa diện, sâu sắc và hài hòa, khẳng định phần sáng trong sự tương phản với bóng tối nhưng cũng cần phác họa cả những khoảng “tranh tối tranh sáng”. Cần tạo một sự hài hòa giữa tính giáo dục của tác phẩm (cả khía cạnh đạo đức lẫn khía cạnh nhận thức) với tính thẩm mỹ và tính giải trí. Chính tính thẩm mỹ và tính giải trí sẽ làm cho phim Việt Nam có sức hấp dẫn và thuyết phục, tránh được “căn bệnh” khô cứng, áp đặt lâu nay.

Phim muốn có giá trị đích thực và sống vượt thời gian, trước hết phải có lượng thông tin bổ ích cho khán giả. Cao hơn, tác phẩm cần phải là sự khái quát cuộc sống, khái quát các vấn đề xã hội và những điều mà con người đang quan tâm. Cần khắc phục điểm yếu của người Việt Nam là thiên về cách tư duy cụ thể mà thiếu sức khái quát. Hơn nữa, tính dự báo của tác phẩm-điều mà những bộ phim “tầm cỡ quốc tế” thường đạt được-bắt nguồn từ sức khái quát cao độ cuộc sống bằng màu sắc của dân tộc mình.

Đối với đề tài quá khứ, cần có sự tái hiện theo cách nhìn mới của ngày hôm nay, sâu sắc và công bằng. Các nhà ĐAVN cần “trả nợ quá khứ” bằng những bộ phim ngang tầm với sự vĩ đại của lịch sử dựng nước và giữ nước, của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đối với đề tài đương đại, cần có sự nhập cuộc thực sự mới có thể phản ánh cuộc sống một cách nhạy bén và khái quát các vấn đề xã hội cả về bề rộng và chiều sâu.

Quốc tế hóa những vấn đề mang tính dân tộc, dân tộc hóa những vấn đề của nhân loại

Một nhà sáng tác chỉ có thể dốc hết tâm lực và nhiệt huyết vào tác phẩm khi anh ta sáng tạo trên cơ sở những gì gần gũi, thân thuộc, máu thịt đối với bản thân mình. Tác phẩm điện ảnh là nơi mọi câu chuyện, mọi số phận, mọi ý tưởng được diễn tả cụ thể nhất bằng hình ảnh và âm thanh trên màn ảnh nên nhà làm phim dễ có điều kiện khi tái tạo những gì quan hệ đến bản thân mình, dân tộc mình. Nhưng có một mâu thuẫn là nhiều bộ phim đề cập đến những câu chuyện, những vấn đề đáng quan tâm đối với dân tộc này lại khiến người xem ở quốc gia khác, dân tộc khác dửng dưng. Vì vậy, các nhà làm phim cần khai thác sâu sắc bí quyết giúp dân tộc ta làm được những điều phi thường. Phải có sự chắt lọc và thẩm thấu các vấn đề từ cuộc sống và con người trong xã hội Việt Nam chứ không phải là những vay mượn, gán ghép những câu chuyện, những số phận xa lạ vào phim cốt cho có vẻ hiện đại.

Nhiều nhà làm phim Việt kiều về Việt Nam sinh sống và dần trở thành lực lượng làm phim hùng hậu của ĐAVN với những bộ phim “bom tấn”. Họ có thuận lợi là tiếp thu được kỹ năng làm phim tiên tiến, tận dụng hiệu quả hình ảnh, âm thanh, montage... để tạo những hình tượng màn ảnh gây ấn tượng, bắt trúng thị hiếu của khán giả. Tuy nhiên, điểm yếu của các nhà làm phim Việt kiều khi khai thác đề tài Việt Nam là sự thiếu hụt trong việc thẩm thấu cội nguồn truyền thống dân tộc. Ngược lại, các đạo diễn ở trong nước gắn bó máu thịt với xã hội Việt Nam, cuộc sống của họ được sinh sôi nảy nở từ cội nguồn dân tộc. Điều họ đang cần bổ khuyết là hướng đi và cách làm để có thể chuyển tải lên màn ảnh một cách sâu sắc, tinh tế, hấp dẫn và thuyết phục nhất hình ảnh Việt Nam.

Khi có cách tiếp cận đúng hướng với “hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước” và đổi mới tư duy sáng tác phù hợp với tinh thần thời đại thì nhà làm phim sẽ cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao, mang đậm bản sắc dân tộc và có sức chinh phục thế giới, tạo sức mạnh phát triển nội lực ĐAVN.

Tiến sĩ NGÔ PHƯƠNG LAN, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam