Cập nhật lúc: 25/11/2021

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19

Đại dịch Covid-19có tác động lớn đến nềnđiện ảnhnước nhà trong hai năm qua. Giai đoạn này, phim Việt dần có chỗ đứng trong lòng khán giả nhưng chất lượng vẫn khôngđồng đều.
 

Số lượng giảm, chất lượng cải tiến

Khoảng thời gian trước khi dịch Covid-19 xuất hiện (2016-2019), số lượng phim Việt phát hành tại rạp rơi vào khoảng từ 42-56 phim/năm. Đến 2020, chỉ có tầm 24 phim được công chiếu, tức giảm gần một nửa so với trung bình. Còn năm nay, tính đến hiện tại thì điện ảnh Việt chỉ mới có 8 phim được ra rạp, một số lượng vô cùng ít ỏi. Các phim còn nằm trong danh sách chờ như Em và Trịnh578: Phát đạn của kẻ điên, 1990… hầu hết đều quyết định dời lịch chiếu sang 2022 hoặc chưa cập nhật lịch chiếu mới. Như vậy, khả năng cao sẽ không có thêm nhiều phim Việt ra rạp cho đến hết năm nay.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 1

Bố già là ngôi sao của điện ảnh Việt trong thời Covid-19

ĐPCC

Dù có sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng nhưng giai đoạn 2020-2021 đã chứng kiến một hành trình cải tiến chất lượng đáng chú ý của phim Việt. Có thể nói, đây là giai đoạn phim Việt tìm được lối đi mới trong đề tài, thể loại cũng như ngôn ngữ điện ảnh. Nếu như trước đây phim hài độc chiếm thị trường thì hai năm qua, các nhà làm phim Việt đã dám mạo hiểm với nhiều thể loại hơn từ giật gân cho đến trinh thám, học đường, tài liệu, tình cảm… Nội dung phim cũng được đầu tư chỉn chu hơn hẳn khi đề cập nhiều vấn đề xã hội, khơi sâu các góc khuất trong nội tâm con người. Điều này mang đến cho điện ảnh Việt một luồng sinh khí mới, đa thanh, đa sắc và nhiều triển vọng.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 2

Ròm là bộ phim độc lập đầu tiên được công chiếu rộng rãi và có doanh thu khá

FACEBOOK PHIM

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 3

Thiên thần hộ mệnh với đề tài búp bê Kumathong mới lạ

ĐPCC

Dòng phim giật gân đánh dấu sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới như Trịnh Đình Lê Minh với Bằng chứng vô hình, Tạ Quang Hiệp với Trái tim quái vật và Nguyễn Hữu Hoàng với Song song. “Ông trùm” trong thể loại này là đạo diễn Victor Vũ cũng cho ra mắt Thiên thần hộ mệnh, nơi lần đầu tiên anh khai thác câu chuyện của thế hệ gen Z.

Một số nhà làm phim chọn cách khai thác “bình cũ rượu mới” lại đem về kết quả ấn tượng, tiêu biểu nhất có thể kể đến Tiệc trăng máu. Đây là bộ phim được “remake” từ tác phẩm Perfect Strangers của Ý. Nhưng nhờ Việt hóa khéo léo cùng sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội mà Tiệc trăng máu thắng lớn. Hay như loạt Gái già lắm chiêu III và V của bộ đôi Bảo Nhân - Namcito, khai thác chủ đề mẹ chồng, nàng dâu hay chính thất, nhân tình. Dù chúng không còn mới mẻ gì nhưng khi được lồng ghép vào lớp vỏ bọc vương giả, thời trang lại khiến khán giả tò mò ra rạp thưởng thức. Trạng Tí phiêu lưu ký thì được thực hiện dựa trên tuyến nhân vật của bộ truyện tranh quen thuộc Thần đồng đất Việt, là một phim phiêu lưu kỳ ảo có chất lượng đáng khen.

Ngoài ra, những phim độc lập (Ròm, Sài Gòn trong cơn mưa) hay phim tài liệu (Sky Tour, Màu cỏ úa) cũng tìm được chỗ đứng riêng tại các rạp chiếu lớn, một hiện tượng chưa có tiền lệ.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 4

Trạng Tí phiêu lưu ký là bộ phim dành cho trẻ em với sự đầu tư kỹ xảo ấn tượng

FACEBOOK PHIM

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 5

Phương Anh Đào trong Bằng chứng vô hình

FACEBOOK PHIM

Cuộc đua trăm tỉ của những ngôi sao

Khi nhìn bao quát về vòng đời của những bộ phim Việt trong thời gian gần đây, dễ nhận thấy giữa các phim đang tồn tại sự phân hóa lớn về chất lượng cũng như doanh thu. Điện ảnh Việt đang bị chia làm hai thái cực: “Câu lạc bộ” trăm tỉ và phần còn lại với số phận hẩm hiu. Trong giai đoạn 2020-2021 khó khăn vừa qua, điện ảnh nước nhà vẫn có nhiều cái tên “lấp lánh” với nội dung chỉnh chu, doanh thu cao để lại nhiều thiện cảm trong lòng công chúng.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 6

Bố già thắng đậm nhờ chất liệu bình dân, gần gũi

FBNV

Đầu tiên, không thể không nhắc đến hiện tượng phòng vé Bố già. Bộ phim thấm đẫm tình cảm gia đình, mang đậm tư tưởng Á Đông trong bối cảnh đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, chất liệu bình dân và gần gũi được lấy cảm hứng từ những khu xóm lao động nghèo ở TP.HCM khiến cho phim tìm được đối tượng khán giả rộng. Ra mắt vào tháng 3.2021, Bố già đã nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé với tổng doanh thu 420 tỉ, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 7

Tiệc trăng máu là phim remake nhưng vẫn tạo hiệu ứng bất ngờ

ĐPCC

Tiệc trăng máu cũng là một trường hợp vẻ vang cho thị trường điện ảnh Việt những năm gần đây. Ra rạp sau đợt giãn cách xã hội, bộ phim nhanh chóng trở thành phim ăn khách nhất năm 2020 với doanh thu 175 tỉ. Quy tụ dàn diễn viên “khủng” gồm Hồng Ánh, Thái Hòa, Đức Thịnh, Thu Trang, Tiến Luật, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Tiệc trăng máu có sức hút truyền thông lớn. Tuy nhiên, thành công của phim chủ yếu đến từ khả năng Việt hóa hết sức duyên dáng, đánh trúng vào tâm lý người xem.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 8

Lý Hải ngày càng lên tay với thương hiệu Lật mặt

ĐPCC

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 9

Khán giả nô nức đi xem Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử của Thu Trang

FACEBOOK

Giai đoạn 2020-2021 góp phần chứng minh doanh thu trên 100 tỉ không còn là phép lạ đối với phim Việt. Bởi ngoài hai cái tên tiêu biểu trên, nhiều phim Việt cũng đạt được thành tích doanh thu ấn tượng như: Gái già lắm chiêu III (165 tỉ), Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử (108 tỉ), Lật mặt: 48h (156 tỉ). Một cách ngẫu nhiên, những phim thành công trong thời gian gần đây đều có điểm chung là sử dụng chất liệu văn hóa bản địa rất tốt.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 10

Gái già lắm chiêu 3 có phong cách vương giả đặc trưng

FACEBOOK PHIM

Tuy nhiên, đó chỉ là một vài nốt thăng trên tổng phổ bản nhạc. Thị trường thời gian qua vẫn tồn tại nhiều phim thuộc dạng thảm họa. Năm 2020 có Sắc đẹp dối trá, Bí mật đảo linh xà, Tôi là não cá vàng, Chồng người ta. Sang 2021, hai bộ phim cải biên từ tác phẩm văn học là Cậu vàng và Kiều cũng nhận đủ chê bai từ khán giả lẫn giới phê bình. Dễ thấy rằng bên ngoài phạm vi của “câu lạc bộ” trăm tỉ, các bộ phim còn lại hầu hết đều lâm vào tình trạng khá thê thảm, đi từ lỗ đến lỗ nặng chứ hiếm khi hòa vốn. Ví dụ: Tôi là não cá vàng thu về vỏn vẹn 1,6 tỉ, Kiều chỉ đạt doanh thu 2,7 tỉ, thấp hơn cả Cậu vàng (3,7 tỉ)…

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 11

Võ sinh đại chiến thua lỗ đến mức đạo diễn "sang chấn tâm lý"

FACEBOOK PHIM

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 12
"Ông hoàng phòng vé" Thái Hoà vẫn không cứu nổi Người cần quên phải nhớ

ĐPCC

Một vài bộ phim dù được đánh giá là chỉn chu nhưng vẫn có kết cục đắng lòng. Bằng chứng vô hình và Đỉnh mù sương được quảng bá rầm rộ nhưng vẫn thất bại. Sau công chiếu, Bằng chứng vô hình thu về 7,5 tỉ còn Đỉnh mù sương chỉ thu được gần 900 triệu đồng. Trong khi đó, Người cần quên phải nhớ cũng điêu đứng khi chỉ thu được 1,9 tỉ. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết phim lỗ tận 23 tỉ. Gây tranh cãi có trường hợp của Võ sinh đại chiến, phim được sản xuất với chi phí 25 tỉ nhưng chỉ thu về chưa đầy 1,4 tỉ khiến cho đạo diễn phải kêu gọi cứu phim.

Muôn vàn rủi ro

Trên thực tế, xu hướng thị trường và thị hiếu khán giả trong những năm qua vẫn là điều gì đó rất khó lường. Phim có nội dung chỉn chu vẫn phải cần nhiều yếu tố khác để thắng lớn. Song, việc ra mắt đúng thời điểm sẽ quyết định sự thành bại của bộ phim, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Những bộ phim thành công trong giai đoạn 2020-2021 bên cạnh nội dung hay còn phải sở hữu hiệu ứng truyền thông tốt. Nó đến từ thương hiệu của người làm phim hoặc của những bộ phim tiền nhiệm đã tạo được dấu ấn từ trước đó. Ròm lại là một trường hợp đặc biệt hơn. Phim thu hút sự hiếu kỳ lớn từ khán giả nhờ đánh vào nội dung số đề nhạy cảm và hành trình đầy thách thức của nó sau khi chiến thắng trở về từ Liên hoan phim Busan.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 13

Tiệc trăng máu sở hữu đội hình đạo diễn, diễn viên trong mơ

ĐPCC

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 14

Ròm tạo được hiệu ứng truyền thông nhờ nhận giải ở Liên hoan phim Busan

FBNV

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, hai năm qua thật sự là một thời kỳ thử thách cho điện ảnh Việt. Công cuộc sản xuất và phát hành phim hoàn toàn bị đặt trong thế bị động. Tình cảnh mà hai bộ phim Thiên thần hộ mệnh và Trạng Tí phiêu lưu ký gặp phải là trường hợp rất đáng tiếc. Ngày 3.5.2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP.HCM chỉ đạo rạp phim phải đóng cửa.

Trạng Tí phiêu lưu ký của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đến lúc đó mới thu về 16 tỉ đồng tại phòng vé, trong khi muốn hòa vốn thì phim ít nhất phải cán mốc hơn 100 tỉ. Còn đối với Thiên thần hộ mệnh, theo số liệu của Box Office Việt Nam, phim đã có màn ra quân khá ấn tượng khi thu về 35 tỉ trong 5 ngày đầu công chiếu. Nhưng khi rạp phim đóng cửa, con số này vẫn là quá thấp so với kỳ vọng của các nhà đầu tư và đạo diễn Victor Vũ.

Nhìn lại điện ảnh Việt hai năm Covid-19 - ảnh 15

Trạng Tí phiêu lưu ký chiếu được vài ngày thì rạp phim đã phải đóng cửa

ĐPCC

Dưới sự tác động của dịch Covid-19 lên toàn ngành, thị trường điện ảnh Việt dẫu có vài trường hợp thành công đột biến nhưng nhìn chung vẫn rất khó khăn trong giai đoạn qua. Chia sẻ với Thanh Niên, anh Nguyễn Tuấn - Trưởng phòng Phát hành & Marketing phim của BHD cho biết: "Mặc dù có nhiều dự định, nhưng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hai năm qua, phim Việt Nam do BHD phát hành không nhiều và doanh thu cũng không được tốt vì phim bị hoãn nhiều lần. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có phim Bố già gặt hái thành công rực rỡ ngay trước thời điểm bùng dịch, các phim Việt khác đều phải ngừng chiếu và đợi thời điểm phát hành mới. Nên rõ ràng đây là sự biến động là cực kỳ lớn vì thị trường gần như không có doanh thu trong suốt thời gian dài của đợt dịch bùng phát lần thứ 3”.

                                                                              Tổng hợp: Lê Tuấn 

In Gửi Email