Nghiệm thu cơ sở Đề tài NCKH “Quản lý phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường tại Việt Nam hiện nay”
Tham dự buổi nghiệm thu có ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng; ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam; ông Vũ Đức Tùng, Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia; PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Ban Lý luận phê bình Hội Điện ảnh Việt Nam; Tiến sĩ Đào Thị Tuyết Mai, Phó phòng Hành chính, Tổ chức, Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tiến sĩ Dương Viết Huy, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các chuyên viên thuộc các phòng chuyên môn của Cục Điện ảnh.
Phát biểu báo cáo trước Hội đồng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, PHPBP có vai trò đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nói chung, văn hóa nói riêng. Các quan hệ xã hội về PHPBP rất đa dạng, phong phú, phức tạp. Hoạt động PHPBP là một hoạt động đặc thù thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng và khá nhạy cảm về chính trị-xã hội.
Quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế: Mô hình tổ chức và cơ chế chính sách cho hoạt động PHPBP còn nhiều bất cập, hoạt động PHPBP có những khó khăn, thách thức gay gắt; một số đơn vị PHPBP do nhà nước quản lý vận hành đang hoạt động không hiệu quả, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp; một số doanh nghiệp tư nhân chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế đơn thuần, coi nhẹ chức năng, nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội; xuất hiện một số bộ phim nhập khẩu có nội dung không lành mạnh, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, bị dư luận phê phán; một số đơn vị PHPBP khác hoạt động kém hiệu quả, kém năng động, còn nặng về trông chờ, bao cấp. Nạn vi phạm bản quyền, chiếu phim lậu trên không gian mạng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, thị trường PHPBP chưa được quản lý chặt chẽ, hệ thống PHPBP của nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, đang có nguy cơ bị thu hẹp, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các bộ phim có chất lượng cao, đóp góp vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân còn hạn chế.
Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng, kỹ thuật công nghệ, đường truyền internet tốc độ cao, trang thiết bị nghe nhìn phổ biến (tivi thông minh, điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân...) cho phép một cá nhân có thể ngay lập tức tiếp cận các bộ phim trên không gian mạng một cách dễ dàng. Điều này đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng có thể gây ra những tiêu cực hay nguy cơ trong đời sống kinh tế-xã hội. Quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP đòi hỏi thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ, đó là vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vừa là ngành kinh tế đem lại thu nhập cho đất nước. Vì vậy, hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế là yêu cầu cấp thiết đẳ ra hiện nay không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà còn có ý nghĩa thiết thực cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực này. Từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu chọn đề tài “Quản lý PHPBP trong cơ chế thị trường tại Việt Nam hiện nay” để nghiên cứu.
Đề tài đã đưa ra 4 mục tiêu của quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP, bao gồm: (1) Phát triển đúng định hướng của Đảng; (2) Nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; (3) Bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh, doanh nghiệp PHPBP; (4) Nâng cao hiệu quả kinh tế.
Dự trên lý thuyết về khoa học quản lý, Đề tài đã đưa ra nội dung của quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành, phổ biến phm theo quy trình quản lý, bao gồm: Chiến lược, quy hoạch, chính sách và quy định pháp luật đối với hoạt động PHPBP; Giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động PHPBP.
Khái quát và phân định rõ 3 yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP: Các yếu tố thuộc về chủ thể quản lý; các yếu tố thuộc về đối tượng quản lý; các yếu tố về môi trường kinh tế-văn hóa-xã hội.
Bên cạnh đó, đề tài cũng đưa ra những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu, bao gồm:
Đề tài đã đưa ra dự báo về hoạt động PHPBP và quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP trong thời gian tới với ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và sự thay đổi của thị hiếu của công chúng. Đề tài nêu ra các quan điểm về quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP trong đó nhấn mạnh quan điểm xã hội hóa hoạt động PHPBP. Đề tài cho rằng đã đến lúc cần nâng cấp vai trò của tư nhân đối với hoạt động PHPBP, cho phép cổ phần hóa toàn bộ hệ thống PHPBP đang được vận hành bởi các địa phương.
Đề tài đưa ra 10 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP trong thời gian tới. Trong các giải pháp, Đề tài nhấn mạnh vào việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật (Cục Điện ảnh, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong việc phòng chống những vi phạm pháp luật về PHPBP hiện nay.
Bên cạnh những kết quả của Đề án, nhóm nghiên cứu nhận thấy còn một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu. Đây cũng là nội dung nghiên cứu của nhóm nghiên cứu trong thời gian tới. Các nội dung đó bao gồm: Thứ nhất, đi sâu vào nghiên cứu công tác quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; Thứ hai, nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với hoạt động xã hội hóa lĩnh vực PHPBP tại địa phương, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu của quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Tại buổi họp, các thành viên phản biện, thành viên Hội đồng nghiệm thu đã có những ý kiến đóng góp cho đề tài nghiên cứu khoa học những điểm cần lưu ý chỉnh sửa để hoàn thiện đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, thay mặt Hội đồng khoa học Cục Điện ảnh đã nhận xét: Đề tài đã xây dựng các chương mục, sắp xếp các vấn đề khá đầy đủ, chặt chẽ theo những yêu cầu cơ bản về mặt bố cục, kết cấu của một Đề tài. Trình tự trình bày tương đối logic, hợp lý khi nhóm thực hiện đã nghiên cứu các vấn đề lý luận cơ bản trong các thuật ngữ khoa học, quản lý về PHPBP. Đồng thời cũng đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số địa phương qua hệ thống bảng khảo sát xã hội học. Đề tài đã đưa ra vấn đề mang tính thời sự và cần thiết đối với công tác quản lý nhà nước, hy vọng từ kết quả thu được được nhóm tác giả sẽ có những đề xuất thiết thực khi áp dụng vào thực tế.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá, ghi nhận nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài, đã hoàn thành đầy đủ các yêu cầu theo đề cương được duyệt. Báo cáo tổng kết có lượng thông tin phong phú, logic, nêu bật bức tranh tổng quan về công tác quản lý hoạt động PHPBP trong cơ chế thị trường tại Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra được nhiều đề xuất cụ thể, có tính khả thi.
Ông Vi Kiến Thành cũng đề nghị nhóm nghiên cứu cần tập trung làm rõ và đề xuất các nhóm vấn đề như: Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; đề xuất 4 nhóm vấn đề về phát hành, phổ biến phim hiện nay (nên làm như thế nào để duy trì các hoạt động của Trung tâm văn hóa, điện ảnh tại các tỉnh thành, phố lớn; đề xuất tỷ lệ phim việt Nam, tiêu chí về rạp, về phim; phổ biến phim ở miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như thế nào…; phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng; phát hành, phổ biến phim Nhà nước đặt hàng như thế nào…
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng Vi Kiến Thành đề nghị Ban thư ký tiếp thu toàn bộ các góp ý tại Hội nghị. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài do nhóm nghiên cứu thực hiện và tiếp tục hoàn thiện theo các ý kiến đóng góp.
Minh Ước