Mùa phim hè 2024: Phim Việt “thua trên sân nhà”
Điểm danh những bộ phim lỗ nặng
"Móng vuốt" là tác phẩm của đạo diễn Lê Thanh Sơn, người vốn được mệnh danh là "đạo diễn trăm tỷ" với những bộ phim ăn khách trước đó như "Bẫy rồng", "Em chưa 18"... Phim kể về một nhóm bạn thân 7 người vào rừng cắm trại rơi vào tình huống phải đối mặt với gấu dữ, bị cô lập với thế giới bên ngoài nên phải tìm mọi cách để sinh tồn. Phim có sự tham gia của những gương mặt diễn viên trẻ gần đây tạo được dấu ấn với khán giả như Tuấn Trần, Nguyễn Lâm Thảo Tâm, Hồng Thanh, Rocker Nguyễn… Tuy nhiên, sau 3 tuần ra rạp, "Móng vuốt" chỉ đạt doanh thu 3,8 tỷ đồng. Doanh thu hàng ngày khi mới ra rạp của phim thấp hơn cả bộ phim đã ra rạp từ hồi tháng 4 là "Lật mặt 7: Một điều ước".
Cú "ngã ngựa" của "Móng vuốt" đã thêm một điểm nhấn buồn của điện ảnh Việt Nam. Mặc dù về mặt doanh thu, chỉ cần 2 bộ phim là "Mai" và "Lật mặt 7: Một điều ước" với số tiền gần 1.000 tỷ đồng đã tương đương với doanh thu cả năm 2023. Đây được ví là 2 bộ phim "gánh team" khi liên tục nhiều bộ phim Việt rơi vào tình trạng phải rời rạp sớm vì không có khán giả. Trước "Móng vuốt", bộ phim "B4S: Trước giờ yêu" cũng có số phận khá bi đát. Theo thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị thống kê phòng vé độc lập - bộ phim chỉ bán được 4 vé trên tổng số 3 suất chiếu tại các cụm rạp. Sau 14 ngày ra rạp, phim ghi nhận mức doanh thu gần 4 tỷ đồng. Với lượng người xem ít ỏi, phim cũng nhanh chóng mất hút tại rạp.
Đây là bộ phim dán nhãn T18 khai thác đề tài tình yêu, tình dục của giới trẻ của nhà sản xuất là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, kết hợp cùng Huỳnh Anh Duy, Michael Thái, Tùng Leo. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ thuộc hàng "trai xinh gái đẹp" như Jun Vũ, Tôn Kinh Lâm, Khánh Vân, Khazsak, Việt Hưng… Trước đó không lâu, "Án mạng lầu 4" (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn) cũng có số phận tương tự. Đây là bộ phim được làm lại từ kịch bản phim "Melbourne" của Iran, kể về đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị đi Canada để lao động và định cư thì phát hiện đứa bé được gửi ở nhà họ đột tử. Tuy nhiên, sau 3 ngày ra mắt, "Án mạng lầu 4" chỉ đạt chưa đến 1 tỷ đồng. Trên mạng xã hội nhiều bài viết bình luận tiêu cực về bộ phim.
Cuối tháng 4 vừa qua, điện ảnh Việt cũng vừa chứng kiến sự ra mắt và rời rạp nhanh chóng của bộ phim "Đóa hoa mong manh" (đạo diễn Mai Thu Huyền). Là bộ phim ca nhạc lấy ý tưởng từ cuộc đời một danh ca nhưng sau 3 tuần công chiếu, phim chỉ thu về 430 triệu đồng. Với doanh thu này, bộ phim nằm trong danh sách những tác phẩm lỗ nặng nhất trong lịch sử phim Việt. Theo thống kê, trong ngày cuối cùng tại rạp, phim chỉ thu về 2,5 triệu đồng với 19 vé của 4 suất chiếu. Doanh thu này thực sự đáng thất vọng với ekip sản xuất phim bởi theo đạo diễn Mai Thu Huyền, phim được quay hoàn toàn toàn tại Mỹ, kinh phí lên tới vài chục tỉ đồng.
Tương tự, "Quý cô thừa kế 2" (đạo diễn Hoàng Duy) với sự trở lại của người mẫu Trang Nhung sau khoảng 10 năm vắng bóng cũng rơi vào kết cục buồn. Khai thác góc khuất của thế giới thượng lưu, với những mâu thuẫn gia đình bắt nguồn từ sự khác biệt thế hệ, có sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng như Huy Khánh, Lâm Vỹ Dạ, Quyên Qui, Hứa Minh Đạt… nhưng phim chỉ thu được 6,4 tỷ đồng, trong khi kinh phí sản xuất phim lên tới trên dưới 40 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, điện ảnh Việt cũng đã chứng kiến một loạt phim rơi vào tình trạng thua lỗ khi ra rạp như "Trà" (đạo diễn Lê Hoàng) với xấp xỉ 1 tỷ đồng, "Sáng đèn" (Hoàng Tuấn Cường) với 3,4 tỉ, "Cái giá của hạnh phúc" (Nguyễn Ngọc Lâm) với 26,3 tỷ… Theo thống kê nửa năm 2024, với 10 bộ phim phát hành thì có tới 7 phim rơi vào tình trạng doanh thu thấp, lỗ nặng. Chỉ có 3 phim có doanh thu tốt là "Mai", "Gặp lại chị bầu" và "Lật mặt 7: Một điều ước". Những phim này đều được ra mắt vào khoảng nửa đầu của 6 tháng đầu năm 2024.
Vì sao "thất bát"?
Một trong những nguyên nhân khiến phim thất bại tại phòng vé, chính là nội dung không hợp thị hiếu người xem Việt Nam. Như ở phim "Móng vuốt", nhiều ý kiến cho rằng, chủ đề sinh tồn, chiến đấu với quái thú vốn đã quá quen thuộc với điện ảnh Hollywood. Việc khai thác đề tài này ở Việt Nam, ngoài câu chuyện xa lạ, thiếu gần gũi thì những hạn chế về kỹ xảo công nghệ làm phim hiện đại đã khiến phim không hấp dẫn khán giả.
"Án mạng lầu 4" cũng không thuyết phục được khán giả vì thiếu logic và Việt hóa chưa tốt. "Quý cô thừa kế 2" có kịch bản ôm đồm, lạm dụng yếu tố giật gân để tăng kịch tính nhưng không được xử lý triệt để, có nghề nên thành ra vô lý, khiên cưỡng…
Tuy nhiên trong số những bộ phim không có doanh thu như kỳ vọng phải kể tới một trường hợp khá đáng tiếc là "Cái giá của hạnh phúc" với doanh thu tới gần 27 tỷ. Hay "Sáng đèn" - một bộ phim được làm kỹ càng nhằm tri ân các nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật cải lương nhưng cũng không tạo được cơn sốt phòng vé.
Sản xuất phim tại Việt Nam luôn là một dự án kinh doanh đầy mạo hiểm và kết cục khó có thể đoán định. Mặc dù các đạo diễn, nhà sản xuất cũng đã thận trọng hơn trong việc tìm kiếm đề tài, thực hiện phim, hướng vào những yếu tố có thể hấp dẫn khán giả. Tuy nhiên, số lượng phim đạt hiệu quả cao rất ít.
Nhiều năm trở lại đây, có một thực tế là chênh lệch giữa phim có doanh thu cao và doanh thu thấp ngày một lớn. Hai bộ phim là "Mai" và "Lật mặt 7: Một điều ước" có tiền bán vé cao chót vót so với những bộ phim còn lại, tạo nên sự mất cân đối. Hay nói cách khác, bức tranh doanh thu của điện ảnh Việt 6 tháng đầu năm 2024 có "đỉnh", có "nóc" mà phần thân khá mỏng manh. Cùng với doanh thu thấp thì thị trường phim hè gần đây trở thành sân chơi của những bộ phim ngoại. Mất mùa phim hè về tay phim ngoại là điều khá đáng tiếc với điện ảnh Việt bởi đây là khoảng thời gian khá dài, các đối tượng học sinh - sinh viên được nghỉ ngơi sau 1 năm vất vả học hành nên nhu cầu thư giãn, giải trí lớn. Tuy nhiên, những đại diện của Việt đợt này lại khá yếu trước những đối thủ mạnh như "Bad boy 4", "Mèo béo siêu quậy", "Gia tài của ngoại", "Cửu Long Thành trại: Vây thành"…
Nhìn từng dòng khán giả kéo tới rạp để thưởng thức những bộ phim ngoại nhập không khỏi thấy tiếc nuối cho các nhà làm phim Việt. Đặc biệt, từ sự thất thu ở mùa phim hè nhìn thấy rõ một lỗ hổng ở bức tranh điện ảnh đó là hoàn toàn vắng bóng những bộ phim dành cho thiếu nhi và lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong khi thời điểm này, đây là đối tượng có nhu cầu giải trí khá lớn. Ngược lại, phim ngoại luôn nhanh nhạy "mùa nào thức nấy" không để khán giả nhỏ tuổi phải chờ lâu hay thất vọng khi chuẩn bị sẵn phim hoạt hình "Kung fu Panda 4" và "Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu", "Những mảnh ghép cảm xúc 2" (Inside out 2), "Kẻ cắp mặt trăng 4". Thực tế là sự thành công của "Lật mặt 7: Một điều ước" (phim Việt Nam) và "Gia tài của ngoại" (phim Thái Lan) lại đều là những bộ phim có phổ khán giả rộng rãi.
"Thất bát" từ vụ phim hè, những người yêu nghệ thuật thứ 7 dành hy vọng vào nửa cuối năm. Mới đây nhất, bộ phim thuộc thể loại thanh xuân tình cảm "Mùa hè đẹp nhất" (đạo diễn Vũ Khắc Tuận) chính thức ra rạp từ ngày 28/6. Ngoài ra, một loạt bộ phim đang được ráo riết hoàn thiện để ra mắt khán giả từ nay tới cuối năm. Như thuộc thể loại lãng mạn, tình cảm có "Ngày xưa có một chuyện tình" (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), "Đồi thông hai mộ" (đạo diễn Nhất Trung), "Công tử Bạc Liêu" (đạo diễn Lý Minh Thắng); dòng phim giật gân - kinh dị có "Con Cám" (Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn), "Linh Miêu" (đạo diễn Lưu Thành Luân), "Ma Da" (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng), "Nhà gia tiên" (đạo diễn Huỳnh Lập). Ngoài ra còn có những bộ phim như "Cô dâu hào môn", "Làm giàu với ma"… Hy vọng với sự đa dạng về đề tài, độc đáo trong cách làm phim, doanh thu phim Việt sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.