E-Magazine; Nửa thế kỷ trên quê huong 10/3 anh hùng
50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột – hành trình nửa thế kỷ phát huy truyền thống anh hùng trong bảo vệ, dựng xây, để hôm nay Buôn Ma Thuột vươn mình phát triển mạnh mẽ, bền vững, tạo đà quan trọng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
![]() |
Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã đi vào lịch sử quân sự với ý nghĩa đặc biệt, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn, về trận đánh Buôn Ma Thuột 10/3 năm ấy vẫn luôn khắc sâu và hiện hữu trong tâm trí của những bậc lão thành cách mạng, những người trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng. Qua từng câu chuyện kể, không khí hào hùng như được tái hiện, sống động.
Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bộ Chính trị đã họp và nhận định tình hình, thời cơ chiến lược mới, từ đó hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975 và quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.
Lúc này, Buôn Ma Thuột là một thị xã có cơ sở cách mạng tương đối mạnh, có chi bộ ở bên trong và Thị ủy đứng ở vùng ven chỉ đạo các đội công tác hoạt động, tạo bàn đạp quan trọng để các lực lượng của ta hoạt động tấn công vào vùng địch.
Tỉnh ủy Đắk Lắk và Thị ủy Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ dân vận, phát động quần chúng tham gia làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương, dẫn đường liên lạc, làm công tác vận động binh lính, phục vụ chiến đấu với khẩu hiệu hành động: Tất cả cho phía trước, tất cả để giành thắng lợi.
Trực tiếp tham gia trận đánh mở màn Buôn Ma Thuột, Trung tá Hồ Quảng Trị khi ấy đang là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đoàn 25 bồi hồi nhớ lại, trước khi mở màn chiến dịch, chúng tôi chỉ nhận được lệnh của cấp trên là sẽ chuẩn bị cho một trận đánh lớn, chủ động tìm hiểu địa hình, hậu cần đầy đủ nhưng chưa nắm chuẩn xác mục tiêu… Đến giờ “G”, đơn vị tôi thực hiện nhiệm vụ phối hợp tác chiến tấn công Tổng kho Mai Hắc Đế. Đây là kho chiến lược của địch, được tổ chức rất chặt chẽ, vòng ngoài có 5-10 hàng rào thép gai, giữa các lớp hàng rào này có những bãi mìn hỗn hợp. Tiếp đến là đường tuần tra canh gác, rồi hàng rào tôn, hào chống đặc công.
Kể về những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột cho biết, trong cuộc tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, bộ đội chủ lực tiêu diệt địch tới đâu thì Ủy ban Quân quản tiếp quản toàn bộ kho hậu cần, cơ sở y tế, tài chính, giáo dục, hậu cứ tới đó; đồng thời cùng lực lượng quần chúng truy quét, kêu gọi tàn quân ngụy đang trà trộn, lẩn trốn ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng; nhanh chóng ổn định tình hình đời sống nhân dân.
“Sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, bộ đội chủ lực tiến về Sài Gòn, còn các lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy phá kềm, truy quét tàn quân địch. Người dân vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, phấn khởi đổ ra đường hò reo. Ngoài Đội vận động chính trị, các lực lượng thanh niên, học sinh, phụ nữ, công nhân đều tham gia tích cực để đảm bảo trật tự, cứu chữa thương binh, phục hồi sản xuất, đảm bảo sinh hoạt bình thường cho nhân dân cũng như bộ đội đóng quân tại thị xã…” - Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quân sự, đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột thắng lợi đã mở ra thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thể hiện sự lãnh đạo hết sức sáng tạo, tài tình của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh. Đó là thắng lợi to lớn trong sự nghiệp kháng chiếng chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; trong đó có sự đóng góp trực tiếp, to lớn của quân và dân Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng.
Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho rằng: Để có được chiến công đó, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc của tỉnh đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, phối hợp với bộ đội chủ lực trong từng trận đánh.
Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, lực lượng vũ trang Đắk Lắk đã nắm bắt thời cơ và phát huy thắng lợi trực tiếp của hoạt động quân sự, phối hợp kịp thời với quân chủ lực, phát động cao trào tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị của địch, đập tan bộ máy kìm kẹp, giải phóng nông thôn.
Quần chúng đã phối hợp chặt chẽ và dẫn đường cho bộ đội địa phương, đặc công, biệt động, quân chủ lực đánh chiếm các mục tiêu; giành được chính quyền cơ sở, phá kìm kẹp, đồn bốt, chiếm kho xưởng, công sở, giữ gìn máy móc không để cho quân địch phá hoại trước khi rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk vào ngày 24/3/1975. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, có tính chất bản lề, đánh dấu chấm dứt thời kỳ đồng bào các dân tộc Đắk Lắk bị đô hộ, kìm kẹp, mang lại cuộc sống hòa bình, tự do, phát huy quyền làm chủ góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, cùng cả nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập…
(còn nữa)
Kỳ 2: Đổi thay trên quê hương 10/3 Anh hùng
Nội dung: Lan Anh – Như Quỳnh
Trình bày: Đức Văn
Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk, PV