Điện ảnh Việt Nam nỗ lực theo đuổi giấc mơ vươn tầm thế giới
Thời gian gần đây, điện ảnh Việt cho thấy nhiều thành công khi “xuất khẩu” phim ra nước ngoài. Sau thành công ấn tượng tại phòng vé trong nước với mốc doanh thu kỷ lục trên 400 tỷ đồng, Trấn Thành quyết tâm đưa “Bố già” chinh phục các phòng vé quốc tế như Mỹ, Singapore, Malaysia và Australia.
Bộ phim nhanh chóng gây ấn tượng với khán giả quốc tế ngay trong tuần đầu công chiếu. Mặc dù bị áp đảo bởi 2 bom tấn Hollywood là “A quite place 2” và “Cruella”, “Bố già” vẫn lọt Top 10 bộ phim có doanh thu cao nhất phòng vé Bắc Mỹ tính đến ngày 3/6/2021 tại phòng vé Bắc Mỹ.
Tính đến ngày 15/6, “Bố già” đã chính thức vượt mốc 1 triệu USD tại phòng vé Mỹ (cụ thể là 1,08 triệu USD) sau 3 tuần công chiếu. Thành tích này đánh dấu cột mốc mới cho phim Việt Nam tại kinh đô điện ảnh thế giới. Khi ra mắt, phim chỉ công chiếu tại 19 rạp sau đó tăng lên 38 rạp trong tuần thứ hai và nay đã mở rộng thành 45 rạp trên toàn nước Mỹ.
“Kỳ tích đáng kinh ngạc này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng Việt Nam. Chúng tôi đang thực sự mở ra tiềm năng chưa được khai thác của thị trường quốc tế cho phim Việt Nam. Những con số này hoàn toàn đáng khích lệ cho phim Việt Nam và cho tất cả các phim độc lập và quốc tế. Chúng tôi có động lực để tiếp tục tạo ra các thị trường mới trong lãnh thổ Hoa Kỳ để các bộ phim quốc tế tiếp cận được nhiều khán giả hơn”, anh Thien A Pham, đại diện đơn vị phát hành “Bố già” ở Mỹ cho hay.
Trước “Bố già”, bộ phim “Hai Phượng”; “Lật mặt: Nhà có khách” cũng ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng. Ngô Thanh Vân cùng ekip đã thành công đưa “Hai Phượng” công chiếu tại nhiều phòng vé lớn như Trung Quốc, Mỹ,… Phim nhanh chóng lọt top 25 doanh thu phòng vé tại Mỹ sau 2 tuần công chiếu với doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỷ đồng). Kết thúc công chiếu, “Hai Phượng” thu về khoảng 40 tỷ đồng tại thị trường nước ngoài.
Đạo diễn Lý Hải cùng với “Lật mặt 4: Nhà có khách” được phát hành tại Mỹ và Australia. Tại Mỹ, phim được trình chiếu tại 6 thành phố lớn bao gồm San Francisco, Houston, Garden Grove, Orange, Seattle, Dallas.
Việc những tác phẩm Việt được công chiếu thương mại ở nước ngoài và có doanh thu là tín hiệu đáng mừng đối với điện ảnh nước nhà. Bởi thực tế, để được chọn chiếu ở các cụm rạp của nước ngoài phải đáp ứng nhiều tiêu chí kiểm duyệt khắt khe.
Ngô Thanh Vân chia sẻ những khó khăn khi tiếp cận thị trường điện ảnh tỷ dân Trung Quốc. Cô cho biết: “Tôi đã tưởng việc phát hành ở thị trường lớn và khắt khe như Trung Quốc là điều bất khả thi. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của ê kíp, chúng tôi có tin vui sau 7 tháng vượt qua công tác kiểm duyệt và thỏa thuận phát hành. Tôi tin những “cây cầu điện ảnh” được tiên phong xây dựng như thế này sẽ góp phần tạo nên những cơ hội tuyệt vời cho phim Việt trong tương lai”.
Không chỉ thị trường Trung Quốc mà tại thị trường Bắc Mỹ - nơi các bộ phim Hollywood hướng đến cũng có những tiêu chí tuyển chọn gắt gao về mặt nội dung, hình thức thể hiện và công nghệ của phim nhập.
Nhà sản xuất Minh Hà cho biết khi cô và đạo diễn Lý Hải đưa series “Lật mặt” đến với công chúng nước ngoài cũng phải vượt qua nhiều khâu kiểm duyệt. “Không phải phim cứ đạt chuẩn về âm thanh, hình ảnh, màu sắc là được mà phải đáp ứng tiêu chí rất cao về nội dung và hình thức thể hiện. Ngoài những yếu tố về mặt kỹ thuật thì để một bộ phim Việt có thể chiếu rạp ở Mỹ cần phải có những công thức rất riêng…”.
Bên cạnh đó, “khẩu vị” người xem cũng là yếu tố quan trọng để nhà phát hành trao cơ hội cho các nhà làm phim Việt. Đạo diễn Lý Hải chia sẻ: “Ở Hollywood thể loại phim nào, câu chuyện nào cũng có, bởi vậy muốn phát hành ở đó phải tính đến “khẩu vị” của người xem. Hiện theo tôi có hai dòng phim Việt có thể được các nhà phát hành lớn nhận phát hành là phim hành động (như Hai Phượng) hoặc phim ma hài như “Lật mặt: Nhà có khách”. Bên cạnh nội dung cuốn hút, giàu tính giải trí, một trong những điều khiến tôi tin rằng sẽ chạm vào cảm xúc khán giả nước ngoài chính là các đại cảnh hoành tráng đậm phong vị Việt".
Với mong muốn đưa điện ảnh Việt đến gần hơn với công chúng thế giới, nhiều bộ phim cũng tìm đường đến các liên hoan phim quốc tế. Là một trong những đạo diễn hàng đầu tại Việt Nam, Victor Vũ đã không ít lần có cơ hội được vươn mình ra biển lớn với các tác phẩm của mình.
Có thể kể đến là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2015, đạt giải thưởng Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015, đồng thời là đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2017.
"Người bất tử" tham dự hạng mục Crosscut ASIA ở Liên hoan phim quốc tế Tokyo. Mới đây nhất, tác phẩm "Mắt Biếc" cũng trở thành đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2021…
Một trong những đại diện Việt Nam ghi dấu ở liên hoan phim quốc tế còn có bộ phim “Ròm” của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy. “Ròm” theo chân cậu bé bán số đề với hy vọng đổi đời ở khu lao động nghèo đã chinh phục ban giám khảo Liên hoan phim Busan – một trong những liên hoan uy tín của điện ảnh Châu Á, để giành giải thưởng cao nhất.
Sự hiện diện của điện ảnh Việt ở các liên hoan phim quốc tế cũng mở ra con đường tiếp cận công chúng qua nhiều kênh phát hành. Những nhà phân phối, phát hành phim từ nhiều quốc gia trên thế giới thường tìm đến các liên hoan phim quốc tế uy tín để thương thảo, mua bán bản quyền phim.
Bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng giành nhiều giải thưởng tại những liên hoan phim quốc tế. Nhờ vậy, tác phẩm điện ảnh này đã đến với khán giả tại 16 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Italy, Uruguay, Tây Ban Nha, Canada, Ấn Độ, Anh…thông qua việc được mua bản quyền.
“Trước đây, chúng tôi chỉ bán bản quyền để chiếu phim tại rạp, còn hiện tại Cha cõng con đã được bán bản quyền ở nhiều hình thức phát hành khác, từ chiếu trên truyền hình cho đến DVD…”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.
Dù vậy, để đưa “đứa con tinh thần” của mình vượt qua các khâu kiểm duyệt, trình chiếu thương mại ở nước ngoài hay tham gia các liên hoan phim quốc tế không phải nhà làm phim và ekip sản xuất nào cũng có điều kiện, khả năng làm được. Đối với các nhà làm phim độc lập trẻ ở Việt Nam, điều này dường như là bất khả thi.
Thế nhưng, sự lên ngôi của các nền tảng phim trực tuyến, dẫn đầu là Netflix trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đã mang đến đến nhiều tia hy vọng mới.
Ở nhiều nền điện ảnh, đặc biệt là châu Á, các nền tảng phim trực tuyến đã thúc đẩy sản xuất và mở rộng con đường đưa phim nội địa đến với khán giả quốc tế.
Hàn Quốc là một trong những nước tận dụng lợi thế này từ các nền tảng phát hành trực tuyến để vươn xa hơn, vượt tầm châu Á và dần tạo được tiếng vang tốt ở tầm quốc tế.
Các phim Việt đang được chiếu trên Netflix.Cụ thể, trong 2 năm qua, đất nước này đã trở thành chìa khoá thành công của Netflix ở châu Á. Những tác phẩm sản xuất tại Hàn Quốc và được cả thế giới xem trên Netflix. Thậm chí, nền điện ảnh xứ sở kim chi còn thu hút nguồn đầu tư lớn từ Netflix lên đến 500 triệu USD để sản xuất hàng loạt bộ phim đậm đặc văn hoá bản địa.
Nhìn từ điện ảnh Hàn Quốc, Việt Nam cũng có thể nắm bắt cơ hội này để bứt phá. Đây cũng là kênh phát hành hữu hiệu giúp nhà sản xuất thu hồi vốn.
Có thể nhận thấy, Netflix đang tăng dần sự quan tâm với thị trường phim Việt thông qua các hoạt động mua bản quyền làm đầy thêm kho phim Việt. Hiện tại, trên nền tảng này đã có hơn 70 tựa phim Việt và sẽ tăng dần trong tương lai.
"Việc trình chiếu kho phim Việt giúp khán giả, người hâm mộ điện ảnh ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á có thể tiếp cận dễ dàng hơn những tác phẩm đậm chất nghệ thuật này của nền điện ảnh Việt Nam” - đại diện Netflix tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên để làm được điều đó, các tác phẩm của điện ảnh phải đạt chất lượng, chứa đựng yếu tố văn hoá Việt, thu hút các nhà đầu tư, phân phối. Việc các bộ phim của Việt Nam được chiếu thương mại ở nước ngoài hoặc trên kênh chiếu phim trực tuyến lớn như Netflix sẽ góp phần xây dựng, định vị thương hiệu điện ảnh Việt trên trường quốc tế./.