Điện ảnh và vai trò của điện ảnh đối với việc giáo dục thế hệ trẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, cấp bách luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Sự ra đời Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, là cơ sở định hướng quan trọng cho việc xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác giáo dục thanh niên. Với các mục tiêu: Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ; Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức của thanh, thiếu niên, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
1. Điện ảnh và chức năng giáo dục
Có rất nhiều phương thức để giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thệ hệ trẻ. Nhưng phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng qua văn hóa - nghệ thuật được đánh giá là phương pháp hiệu quả và nhanh chóng, có tác dụng tích cực nhất.
Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật có nhiều lợi thế vì: Điện ảnh là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật, tổng hòa các yếu tố hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, tiếng động, diễn xuất của diễn viên, phục trang … cùng nhiều yếu tố khác để tạo nên một bộ phim theo ý đồ sáng tạo nghệ thuật. Dù vẫn là nghệ thuật của sự sắp đặt nhưng điện ảnh đã tạo lập được một không gian riêng, mô phỏng, phản ánh cuộc sống, các vấn đề của cuộc sống một cách gần gũi, chân thật. Nó trở thành một công cụ đắc lực để truyền đi những thông điệp, những bài học giáo dục. Với lứa tuổi thanh niên, nhiều bạn trẻ rất có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi cuộc đời từ những bộ phim cụ thể hoặc hình tượng nhân vật nào đó mà mình yêu thích trong các bộ phim tài liệu, phim truyện, hoạt hình. Không ít những nhân vật trong phim đã truyền cảm hứng và trở thành động lực cho nhiều hoạt động xã hội của các bạn trẻ. Bộ phim “Forrest Gump” (1994) đã trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới khi kể một câu chuyện ấm áp về một người đàn ông có hạn chế về trí tuệ, nhân vật tưởng như rất nhỏ bé và bị giới hạn nhưng người xem đầy khâm phục khi chứng kiến hành trình nỗ lực và thành công của Forrest Gump.
Trong lĩnh vực điện ảnh, gần đây các nhà làm phim và đặc biệt là các nhà làm phim trẻ đã nắm bắt được thị hiếu khán giả. Họ hướng điện ảnh đến những khán giả trẻ với việc lồng ghép các yếu tố truyền thống nhưng cũng mang tính thẩm mỹ, tính giải trí cao, đan xen là tính hiện đại và sự hài hước giúp mỗi bộ phim kể một câu chuyện riêng, mang nhiều yếu tố văn hóa truyền thống thú vị. Trong khuôn khổ của một tham luận ngắn, xin nêu ví dụ một số bộ phim truyện điện ảnh tiêu biểu của Việt Nam.
- Ở đề tài lãnh tụ, một số bộ phim điện ảnh thể hiện chân dung Bác Hồ gắn với những giai đoạn lịch sử của đất nước trong suốt nửa đầu thế kỷ XX đầy biến động, tiêu biểu là những bộ phim truyện như “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Nhà tiên tri”, “Nhìn ra biển cả”… được giới trẻ xem và tìm hiểu.
- Chiến tranh cách mạng cũng là đề tài phong phú, có rất nhiều bộ phim để lại ấn tượng đối với khán giả trẻ, được các đạo diễn trẻ tuổi thực hiện như “Truyền thuyết quán Tiên”, các phim “Bình minh đỏ”, gần đây nhất là “Đào, phở và Piano”… đều thể hiện chiến tranh ở những góc nhìn khác nhau.
- Đề tài giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc: phim “Song Lang” là bộ phim khai thác yếu tố truyền thống văn hóa Việt, đó là nghệ thuật cải lương những năm 1980; Bộ phim “Cô ba Sài Gòn” lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 60 với hình ảnh tà áo dài Việt Nam. Bộ phim đã kết hợp những yếu tố hiện đại, giải trí nhưng cũng lồng ghép các yếu tố truyền thống, văn hóa dân tộc, tôn vinh hình ảnh tà áo dài của dân tộc… không chỉ hấp dẫn khán giả trong nước mà còn hấp dẫn những khán giả trẻ quốc tế.
Và rất, rất nhiều những bộ phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình khác đều có chức năng giáo dục tư tưởng, đạo đức, tôn vinh hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua nhiều thế hệ, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số 4.0 như hiện nay, đã tạo những điều kiện vô cùng thuận lợi để phim ảnh có thể phát triển gần hơn, tiếp cận gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ bởi họ chính là người sở hữu công nghệ. Rạp chiếu phim trở thành không gian giao lưu, giải trí của giới trẻ. Song song với đó, trong thời đại công nghệ số, khán giả có thể tiếp cận những bộ phim thông qua truyền hình cáp vệ tinh, thông qua các kênh mạng xã hội, youtube, các app xem phim trực tuyến...khiến người xem có nhiều lựa chọn hơn. Họ có thể xem phim tại rạp, xem phim tại nhà thông qua chiếc tivi, hoặc bất cứ không gian nào chỉ cần có kết nối internet và một chiếc điện thoại. Vì vậy, phim ảnh luôn đồng hành với khán giả trẻ trong đời sống giải trí, tinh thần của họ.
2. Điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật, điện ảnh còn có tính giải trí cao hoặc chữa lành, thúc đẩy sự hình thành và xuất hiện hành vi sáng tạo
Thế hệ trẻ là những con người ưa hoạt động, thích khám phá. Họ tìm đến với điện ảnh như một hình thức để trải nghiệm, tìm đến tiếng cười, niềm vui sau mỗi giờ học tập hay làm việc căng thẳng. Sự căng thẳng là nguyên nhân phá hoại hệ thống miễn dịch của chúng ta. Trong thời đại văn minh, hình ảnh một ngọn núi, dòng sông, cánh đồng… lại gợi cho những người trẻ khả năng xả hơi, thoát khỏi những cảnh hè nóng nực, những áp lực đời thường... Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật mang lại. Vì cân bằng được tính giải trí nên điện ảnh là lựa chọn hàng đầu của họ.
3. Phát triển Điện ảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Điện ảnh cần được nhìn nhận dưới góc độ một “ngành công nghiệp”, một ngành “kinh tế” để có nhiều chính sách, định hướng để phát triển điện ảnh, tạo ra nhiều giá trị kinh tế để tái tạo.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Dự tính tổng doanh thu phòng vé rạp Việt năm 2023 (tính cả phim nước ngoài) đạt 3.700 tỉ đồng; một số tín hiệu vui với thành công về doanh thu của các bộ phim truyện của điện ảnh Việt (Phim Việt chiếu rạp năm 2023 thu hơn 1.563 tỉ đồng - theo số liệu của báo Tuổi trẻ ngày 25/12/2023). Top 5 phim Việt có doanh thu chiếu rạp trên 100 tỷ là “Nhà Bà nữ” (gần 460 tỉ), Lật mặt 6 (gần 274 tỉ), Đất rừng Phương Nam (gần 141 tỷ), Siêu lừa gặp siêu lầy (gần 122 tỉ), “Chị chị em em 2” (122 tỉ). Trong đó có những phim khai thác đề tài gia đình, lịch sử, cách mạng. Phim Việt Nam truyền tải được phần nào giá trị thiết thực trong đời sống xã hội, gia đình, vừa mang tính giải trí, được công chúng ủng hộ, hứa hẹn nhiều tiềm năng và cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển thành “công nghiệp điện ảnh” trong tương lai.
4. Điện ảnh và Du lịch cất cánh
Tại nhiều nước trên thế giới, những địa danh nổi tiếng từng được chọn và sử dụng làm bối cảnh của những bộ phim truyện điện ảnh nổi tiếng được nhiều người biết đến và muốn đến tham quan như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan… Một số bộ phim của nước ngoài đã lấy bối cảnh quay hoặc câu chuyện được diễn ra ở Việt Nam. Sau phim Đông Dương (Indochine), nhiều khán giả trên thế giới biết nhiều hơn đến vẻ đẹp riêng của Hạ Long (Quảng Ninh); sau phim Người tình (L’amant) nhiều người muốn đến đồng bằng sông Cửu Long; sau phim Người Mỹ trầm lặng người ta yêu mến, nhớ đến những vẻ đẹp của Sài Gòn xưa… Sau phim King Kong Đảo Đầu lâu, người ta trầm trồ và tha thiết muốn đến thăm thú với vẻ kỳ ảo của Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Gần đây nhất tháng 4/2023, bộ phim nước ngoài đầu tiên quảng bá về du lịch và văn hoá Việt Nam được phát hành trên nền tảng trực tuyến lớn nhất thế giới Netflix. “A Tourist’s Guide to Love” (Du lịch đến tình yêu”) kể về hành trình của một cô gái nước ngoài qua nhiều địa danh của Việt Nam khiến khán giả Việt Nam nức lòng khi thấy nhiều cảnh đẹp và phong tục văn hoá đậm bản sắc Việt xuất hiện lung linh trên phim. Netflix xông bố phim lọt top 10 phim nói tiếng Anh ăn khách nhất toàn cầu từ ngày 17/4 đến 23/4 với 14,4 triệu giờ xem, lọt top 10 phim được xem nhiều tại 78 thị trường trên toàn cầu, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Việt Nam tự hào được thế giới biết đến qua một bộ phim nổi tiếng như vậy.
Vùng đất Hà Giang, trong bộ phim “Chuyện của Pao”, với những hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp, đã trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế; Bản Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang cũng đã trở thành một điểm tham quan cho du khách khi đến với Hà Giang. Trong đó đa phần là những người trẻ tuổi. Hiệu ứng từ những cảnh quay đẹp trong phim đã khiến khán giả trẻ đầy nhiệt huyết để đến khám phá văn hóa các vùng miền và lan truyền câu chuyện về chuyến đi của họ cho những người bạn khác; Sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tạo ra được “cơn sốt” phòng vé thì vùng đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh của phim cũng đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách.
Như vậy, có thể thấy với những giá trị cộng thêm, công nghiệp điện ảnh đã tích hợp chức năng quảng bá, bằng sự gắn kết tự thân với những hoạt động dịch vụ du lịch. Từ những bộ phim đó, khán giả trẻ đã có những chuyến du lịch qua màn ảnh nhỏ, từ đó truyền thêm tình yêu, niềm tự hào dân tộc và nâng cao trách nhiệm đối với việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước.
5. Vai trò của Thanh niên Chi đoàn Cục Điện ảnh
Với nhận thức về vai trò của điện ảnh và tác động, sự lan tỏa của điện ảnh đến với đời sống xã hội nói chung và thanh niên nói riêng. Chi đoàn Cục Điện ảnh luôn chủ động đề xuất các nhiệm vụ chuyên môn gắn liền với nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền về lịch sử của đất nước, những tấm gương người tốt, việc tốt, khéo léo lồng ghép các nội dung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn để định hướng sáng tác phim truyện, phim tài liệu và các chương trình phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Xây dựng kế hoạch, nội dung để sản xuất phim, các chương trình phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đặt hàng từ ngân sách nhà nước, tổ chức các Tuần phim, Liên hoan Phim Việt Nam đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức, nâng cao năng lực cảm thụ, thẩm mỹ lành mạnh của nhân dân nói chung và thanh niên nói riêng - với ý chí, tinh thần “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” nhằm tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
6. Một số ý kiến đề xuất
Với ý nghĩa giáo dục, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, hoạt động Điện ảnh cần được lồng ghép để trở thành một trong những hoạt động sinh hoạt Đoàn ngoại khóa và thường xuyên.
- Đưa hoạt động chiếu phim trở thành một hoạt động thường xuyên trong các trường THPT và Đại học, cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị công an, quân đội…. Tổ chức các Tuần phim chiếu phim theo chủ đề lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.
- Đề xuất Đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức hoạt động chiếu phim, giao lưu đoàn làm phim có quy mô, hiệu quả. Trong năm 2023, chương trình “Cùng mang sách về miền núi, hải đảo” với chủ đề “Thư viện trên đá”, do Đoàn Cơ sở Trung tâm công nghệ thông tin báo Điện tử Tổ quốc chủ trì tổ chức tại trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCA Sà Phìn, thuộc xã Sả Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào ngày 29 tháng 5 năm 2023 đã trao tặng 2000 đầu sách được mã hóa QR code để các thầy cô và học trò có thể tiếp cận công nghệ, phát triển kỹ năng thời đại số. Để điện ảnh được đến với các em nhỏ và thầy cô miền cao, Chi đoàn Cục Điện ảnh đã xin ý kiến Lãnh đạo Cục, cấp Ủy cho phép chiếu bộ phim truyện điện ảnh “Mai ka, cô bé đến từ hành tinh khác”. Buổi chiếu được các em học sinh vùng cao đón nhận trong không khí xem phim rất rộn ràng, vui tươi.
Trên đây là một số chia sẻ của Chi đoàn Cục Điện ảnh về chủ đề “Điện ảnh và vai trò của Điện ảnh đối với việc Giáo dục thế hệ trẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Trong khuôn khổ của một tham luận ngắn tại Hội nghị tổng kết chưa thể đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, sau trình bày tham luận của Chi đoàn Cục Điện ảnh, rất hi vọng trong tương lai Đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, các chi đoàn Khối Điện ảnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến điện ảnh./.
Chi đoàn Cục Điện ảnh