Cập nhật lúc: 01/03/2019

ĐIỆN ẢNH ĐẮK LẮK – NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

              Trong bối cảnh gay go, quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 15/3/1953 tại khu Đồi Cọ Việt Bắc, căn cứ địa Cách mạng Việt Nam (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147 thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, đánh dấu sự ra đời chính thức của Điện Ảnh Việt Nam. Trãi qua những thăng trầm của lịch sử 66 năm qua Điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng, ghi lại những dấu ấn lịch sử quan trọng, những chặng đường đấu tranh của đất nước.

Cùng với nền Điện ảnh nước nhà, Điện ảnh Đắk Lắk cũng đã có 47 năm hình thành và phát triển. Tháng 5, năm 1972 Ban Tuyên Huấn, Khu Ủy Khu 5, cử đội chiếu bóng đem phim ảnh Cách mạng vào vùng căn cứ và vùng giải phóng phía nam tỉnh Đắk Lắk để phục vụ nhân dân, chiến sỹ. Đây cũng là đánh dấu sự ra đời của Điện Ảnh tỉnh Đắk lắk. Tuy còn non trẻ và hoạt động trong thời kỳ chiến tranh liên miên, xong đến năm 1974 tỉnh Đắk Lắk đã có 3 đội chiếu bóng được thành lập. Trong những năm chiến tranh ác liệt, những đội chiếu bóng lưu động luôn là mũi nhọn xung kích hướng về cơ sở, phục vụ vùng sâu, vùng xa và vùng hẻo lánh, đem ánh sáng của Đảng đến từng buôn, làng, nâng cao dân trí và đáp ứng nhu cầu tinh thần của các dân tộc. Những người đặt nền móng đầu tiên cho ngành Điện ảnh của tỉnh nhà phải kể đến những cái tên, như: Nguyễn Khoa Kỳ; Nguyễn Đình Chiểu; Võ Đình Chư; Nguyễn Kim Tuấn; Đỗ Trung Cương; Vương Văn Phúc; Lý Văn Mỳ...v…v. đã dành cả cuộc đời mình gắn bó với nền Điện ảnh, không quản những khó khăn gian khổ, máu xương, thậm chí cả tính mạng để đưa từng thước phim đầu tiên đến với nhân dân.

Chiến thắng ngày 30/04/1975, Miền nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Đội ngũ những người làm công tác chiếu bóng tỉnh Đắk Lắk lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng khác, có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy nhất, chiến đấu phục vụ bộ đội và nhân dân trong cuộc chiến tranh chống lại sự phá hoại của bọn phản động Phun-rô. Thời kỳ này đã có nhiều đồng chí ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 1979, đội chiếu bóng số 10, gồm 3 đồng chí, là: Y Branh Niê, Lương Xuân Bắc, Nguyễn Bá Hoàng trên đường làm nhiệm vụ ở huyện Ea Sup đã bị bọn phản động Phun rô phục kích, 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, người thân và anh em trong cơ quan. Năm 1990 Điện Ảnh Đắk Lắk lại một lần nữa hứng chịu thêm mất mát: đồng chí Đỗ Thịnh Trường trong lúc đang làm nhiệm vụ tại Rạp Chiếu bóng Kim Đồng đã bị một thành phần quá khích dùng dao đâm, anh trút hơi thở cuối cùng khi đang trên đường vào bện viện.

Các Anh là những tấm gương sáng trong ngành văn hóa, thông tin nói chung và ngành Điện ảnh Đắk Lắk nói riêng. Cho đến hôm nay những người đang làm công tác Điện ảnh và nhân dân Đắk Lắk vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn đối với các liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp của ngành và của dân tộc.

Chuyển qua thời kỳ cơ chế thị trường, Điện ảnh toàn quốc nói chung, Điện ảnh Đắk Lắk nói riêng trãi qua nhiều thăng trầm. Là một tỉnh vùng cao nguyên, nhiều xã vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, nhân dân chưa được tiếp cận nhiều với lĩnh vực nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của thiết bị chiếu phim Video, đặc biệt là video gia đình, các điểm chiếu Video tư nhân mọc lên ngày càng nhiều ở Thị Xã và trung tâm các huyện, nên đã giảm đi lượng lớn khán giả đến với các Rạp. Trong khi đó, Công ty lại thiếu nguồn kinh phí để đầu tư máy móc, trang thiết bị chiếu phim, thiếu về nguồn nhân lực, phương tiện..v…v. Đòi hỏi những người làm công tác Điện ảnh Đắk Lắk cần nổ lực rất lớn để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn về kinh tế không có điều kiện được tiếp cận với các loại hình văn hóa, nghệ thuật. Ban giám đốc công ty đã tìm nhiều hướng đi mới để khắc phục mọi khó khăn, trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới công nghệ chiếu phim, tìm kiếm nguồn phim, đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò xung kích của các đội chiếu bóng lưu động đưa phim ảnh đến với các địa phương. Nhờ những hướng đi phù hợp, điện ảnh Đắk Lắk vẫn đứng vững và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để đưa Điện ảnh Đắk Lắk vượt qua những khó khăn, Ngày 2/3/2004 UBND tỉnh đã ban hàng quyết định số 121/…. thành lập Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Đắk Lắk sau khi giải thể doanh nghiệp nhà nước Công ty Điện Ảnh. Ngay sau khi chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Đắk Lắk đã xác đinh rõ vai trò, chức năng của mình, không chỉ mang tính chất kinh doanh đơn thuần mà nhiệm vụ phục vụ chính trị luôn được đặt lên hàng đầu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, và định hướng thẩm mỹ cho nhân dân. Hàng năm, Trung tâm luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước để tổ chức các hoạt động Điện ảnh, như: Đợt phim “Mừng Đảng, Mừng xuân”; “ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4, Quốc tế lao động 1/5”; kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5);  Đợt phim chào mừng “Bầu cử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”; “Đợt phim phục vụ thiếu nhi nhân dịp hè”; Tuần phim “Kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7”; Đợt phim chào mừng “Quốc khánh 2/9”.v..v.

Thành tích nổi bật nhất của Trung tâm phải kể đến việc đăng cai tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14. Đây là niềm vinh dự không những của điện ảnh Đắk Lắk mà còn là niềm tự hào của tỉnh nhà lần đầu tiên đăng cai một sự kiện trọng đại của điện ảnh. Thành công của Liên hoan Phim lần thứ 14 được ghi nhận với hơn 72.000 lượt khán giả tham gia, để lại ấn tượng sâu đậm cho các đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên và công chúng khán giả trên toàn quốc.

Trung tâm cũng đã tổ chức đăng cai lớp học nâng cao trình độ sử dụng thiết bị máy chiếu phim nhựa 35ly lưu động cho các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, Nam trung bộ, và Nam bộ được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao về tính thiết thực và hiệu quả đối với cán bộ cơ sở.

Đặc biệt, năm 2011 Trung tâm Phát hành và chiếu bóng Đắk Lắk cũng đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia- dự án hỗ trợ Điện ảnh giai đoạn (2006-2010). Tham dự hội nghị có Ông Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ văn hoá, thể thao và du lịch; ông Lại Văn Sinh - Cục trưởng cục điện ảnh; Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cục Điện ảnh và các đại biểu đã đánh giá cao công tác tổ chức cũng như tiếp đón của Trung tâm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Ban giám đốc Trung tâm luôn chú trọng đến việc đầu tư trang thiết bị, từng bước đổi mới công nghệ chiếu phim cho phù hợp với xu hướng hiện đại, mua sắm máy chiếu có độ nét cao, thay thế dần những máy chiếu phim cồng kềnh, lạc hậu. Năm 2011, Rạp Kim Đồng đã được trang bị máy chiếu HD. Cuối năm 2013, Trung tâm tiếp tục lắp đặt thêm máy chiếu phim HD tại rạp Hưng Đạo. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã cố gắng khai thác các thể loại phim hay, mới nhất, để phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của khán giả, nên đã thu hút rất đông người dân đến các Rạp để xem phim.

Bên cạnh đó Rạp Kim Đồng và Hưng Đạo còn là điểm chiếu phim miễn phí phục vụ cho các cháu thiếu nhi vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần trong mỗi dịp hè, với 27 xuất chiếu mỗi năm, thu hút gần 4.500 lượt người xem, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa và thưởng thức nghệ thuật của thanh thiếu nhi trong tỉnh.

Hoạt động chiếu phim lưu động vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng và nổi bật của Trung tâm, với phương châm hướng tới những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xóa các điểm trắng về phim ảnh. Thông qua Điện ảnh để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, các ngày lễ lớn của dân tộc; Tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh; Truyền bá kiến thức khoa học cho đồng bào...v.v…. Mỗi năm các đội chiếu phim lưu động của Trung tâm đã thực hiện hàng trăm buổi chiếu, thu hút hàng ngàn lượt khán giả đến xem. Trung tâm cũng đã chú trọng đến việc chiếu phim hoạt hình, nhằm thu hút khán giả ở nhiều lứa tuổi đến với mỗi buổi chiếu, thông qua đó nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Bên cạnh chiếu phim lưu động tại các vùng sâu, vùng xa, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Đắk Lắk cũng đã tổ chức nhiều buổi Chiếu phim lưu động phục vụ chiến sỹ các đồn Biên Phòng; Các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của Tỉnh; Chiếu phim phục vụ các cán bộ chiến sỹ và phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Đắc Tân và Đắk Trung thuộc tổng cục VIII, Bộ Công An, đóng tại tỉnh Đắk Lắk ..v…v Những buổi chiếu phim lưu động thực sự đã mang ý nghĩa thiết thực, thông qua phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình giúp các em có thêm sự tự tin, sáng tạo, hòa nhập trong cuộc sống; Còn đối với những phạm nhân có thêm niềm tin, động lực tích cực cải tạo, học tập và lao động để trở thành công dân có ích cho xã hội.

 Để khán giả trong tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận với nền Điện ảnh thế giới, cũng như nền văn hóa nước ngoài thông qua các phương tiện truyền thông, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng thường xuyên phối hợp với Viện Goethe Hà Nội; Trung tâm Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam…tổ chức nhiều đợt chiếu phim nước ngoài lưu động, như: “Đợt chiếu phim Pháp lưu động tại các địa phương trong tỉnh”; “Liên hoan Phim tài liệu khoa học Quốc tế”..v…v. qua các đợt phim đã tăng cường tình hữu nghị, gắn kết giữa nhân dân Việt Nam với các nước trên thế giới.

Mô hình “Dạ hội điện ảnh” của Trung tâm trong những năm qua vẫn luôn phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa và được nhân dân đón nhận. Thông qua các hoạt động sôi nổi trong đêm hội, như: Văn nghệ; đốt lửa trại; hái hoa điện ảnh; Tri ân, tặng quà. Người dân được giao lưu, tìm hiểu quá trình phát triển của điện ảnh Việt nam và Điện ảnh tỉnh nhà; Tìm hiểu về đời sống của các dân tộc; Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của địa phương mình. Trong đêm hội, với 5 màn ảnh lớn người dân còn được xem nhiều bộ phim thời sự, tài liệu, phim truyện Việt Nam, phim hoạt hình thiếu nhi về đề tài chiến tranh, hình tượng cao đẹp của Bác Hồ, về tình yêu quê hương, đất nước. Trong những năm qua, hoạt động Dạ hội Điện ảnh để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khán giả, được cả người già và các em nhỏ phấn khởi, háo hức tham gia.                     

Trang văn hóa, du lịch phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đắk Lắk do Trung tâm đảm nhận thực hiện cũng đang được đánh giá cao trong công tác tuyên truyền. Trang Văn hóa do Sở văn hóa, thông tin Đắk Lắk (Nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành lập tháng 7 năm 1999, với nhiệm vụ: Tuyên truyền, phản ánh, quảng bá hoạt động của ngành Văn hóa; Ca ngợi các gương người tốt, việc tốt; Lưu giữ và bảo tồn các giá trị lễ hội văn hóa truyền thống; Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước đến rộng rãi quần chúng nhân dân. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả xem truyền hình, Tháng 10 năm 2016 Trang Văn hóa được đổi tên thành Trang Văn hóa, Du lịch. Tháng 1 năm 2017, Trang Văn hóa, Du lịch đã tăng lên thành 2 chương trình mỗi tháng; Phát sóng định kỳ vào tối thứ 6 của tuần thứ nhất và tuần thứ 3 của tháng.

Với trách nhiệm cao trong công việc, ý thức được vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, bảo tồn văn hóa truyền thống, Ban biên tập Trang Văn hóa, Du lịch không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức thể hiện; Tìm tòi, sáng tạo trong cách viết, cách dựng; Khai thác những đề tài mới, đề tài nóng có tính thời sự về lĩnh vực văn hóa, du lịch để kịp thời phản ánh, thông tin đến người dân, đồng thời qua đó thu hút khán giả theo dõi chương trình. Ngoài phát định kỳ trên sóng, phóng viên trang Văn hóa, Du lịch cũng đã gửi nhiều tin, bài, phóng sự cho các chuyên mục khác của Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh Đắk Lắk; VTV; HTV..v…v.. Và được các đồng nghiệp đánh giá cao. Trang Văn hóa, Du lịch cũng gửi các tác phẩm tham gia dự thi liên hoan Phát thanh, Truyền hình tỉnh Đắk Lắk; Liên Hoan truyền hình toàn quốc; Liên Hoan Phim Việt Nam; Giải báo chí Chất lượng cao..v…v. Và đạt nhiều giải thưởng cao, bằng khen, giấy khen của Ban tổ chức liên hoan.

Trang văn hóa, du lịch luôn khẳng định là tiếng nói của nhân dân và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh Đắk Lắk; Là cầu nối nhằm tuyên truyền và phản ánh những đường lối chính sách, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước đến với nhân dân đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực, những giá trị thực tiễn của người dân trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua Điện Ảnh, Ban biên tập trang văn hóa, du lịch cũng đã tham gia cùng đội chiếu bóng lưu động khi có những buổi chiếu tại các thôn, buôn. Phóng viên, biên tập viên trang văn hóa, Du lịch đến điểm chiếu, cùng với chính quyền địa phương tìm những gương người tốt, việc tốt những nhân tố tích cực đến đời sống của bà con ở buôn, làng để làm phóng sự chiếu cho bà con xem trước khi xem phim truyện nhựa mà đội đưa xuống để mọi người học tập, làm theo. Sau khi thực hiện xong phóng sự, Ban biên tập Trang Văn hóa, Du lịch cùng đội Chiếu bóng lưu động còn tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao với bà con để tạo khí thế sôi nổi, đoàn kết gắn kết giữa người dân địa phương và đội chiếu bóng.

          Với cách tuyên truyền mới, tổ chức thực hiện làm phóng sự tại chỗ và chiếu ngay cho đồng bào xem, các đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đã thực hiện nhiều buổi chiếu thành công và thu hút rất đông đảo bà con đến xem phim. Điều đó có thể khẳng định rằng, nhu cầu xem phim lưu động của bà con ở các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk còn rất lớn.

          Một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền mà Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng đã thực hiện được trong những năm qua, là trực tiếp sản xuất chương trình lồng tiếng dân tộc Êđê phục vụ đồng bào miền núi. Ngoài việc ghi hình, phản ánh các hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đội ngũ phóng viên trang lồng tiếng dân tộc cũng đã xuống tận các buôn, làng, vùng sâu, vùng xa để lấy tin, bài; Sau đó dịch sang tiếng dân tộc, kết hợp cùng các chương trình khác, như: ca nhạc, hoạt hình, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chương trình phổ biến khoa học, khuyến nông… để sản xuất và in thành đĩa cấp phát cho các buôn và nhà văn hóa cộng đồng trong toàn tỉnh. Chương trình “lồng tiếng dân tộc” trong những năm qua đã trở nên thiết thực và mang lại hiệu quả cao đối với đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc, tạo điều kiện cho bà con không những nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh, mà thông qua các chương trình khuyến nông còn giúp bà con biết về cách chăm sóc cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cùng với điện ảnh cách mạng Việt Nam, 47 năm qua Điện ảnh Đắk Lắk cũng không ngừng đổi mới, tìm ra những hướng đi phù hợp để bắt kịp với sự phát triển, hội nhập của xã hội. Với những nổ lực cố gắng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, nhiều năm qua ngành Điện ảnh Đắk Lắk đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Tiêu biểu, như: Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2007, cùng nhiều giấy khen, bằng khen

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Điện ảnh Đắk Lắk đang gặp không ít khó khăn, như: Cơ sở vật chất xuống cấp; Kinh phí hạn hẹp; Việc đầu tư máy móc, trang thiết bị không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại; Sự cạnh tranh với các cụm rạp của các thành phần kinh tế khác…. Nhưng với lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc, cán bộ, công nhân viên Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng đã và đang nỗ lực cố gắng, vượt qua những khó khăn để đưa điện ảnh đến với mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao.

Trong khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng hoạt động không hiệu quả, một số nơi đã bị xáp nhập với các đơn vị khác. Thì niềm vui, niềm hy vọng lớn cho điện ảnh của tỉnh nhà, đó là vào tháng 1/2017, Trung tâm văn hóa Điện ảnh đa chức năng vùng Tây Nguyên đã chính thức được khởi công xây dựng tại km 4 và 5 phường Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột. Cụm rạp với 3 phòng chiếu được trang bị công nghệ hiện đại, dự kiến cuối năm 2019 sẽ được đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân.

  Nhân kỷ niệm “66 năm điện ảnh cách mạng Việt nam”, và “47 năm điện ảnh Đắk Lắk”, và 15 năm thành lập Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng, đội ngũ những người làm công tác Điện ảnh hôm nay nguyện xứng đáng với truyền thống tốt đẹp đó, ra sức phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Đắk Lắk vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới./.                                                   

TRANG TH VĂN HÓA, DU LỊCH ĐẮK LẮK THỰC HIỆN

In Gửi Email