Cập nhật lúc: 21/02/2024

Đạo diễn Nhất Trung: '1.200 tỷ đồng của toàn ngành điện ảnh Việt thua cả doanh thu một công ty xuất khẩu hạt điều'

Đạo diễn Nhất Trung cho biết mỗi năm có khoảng 30 bộ phim ra rạp, nhưng tổng doanh thu chỉ vào khoảng 1.200 tỷ đồng (50 triệu USD). Con số này còn ít hơn doanh thu công ty xuất khẩu điều. Đó là điều khiến đạo diễn trăn trở về tương lai của ngành điện ảnh Việt.

Ba năm kể từ thất bại của 1990, Nhất Trung trở lại đường đua phim Tết với Gặp lại chị bầu.

Thường được truyền thông nhắc đến với biệt danh đạo diễn trăm tỷ, lần trở lại này, Nhất Trung không hoàn toàn tự tin. Trước ngày khởi chiếu, Nhất Trung nói với Tiền Phong anh chỉ nhắm đến vị trí số hai trong đường đua phim Việt mùa Tết Giáp Thìn.

10 năm làm phim và có những bộ phim trăm tỷ đồng, Nhất Trung khiêm tốn nhận bản thân ở tầm khá của thị trường. Nam đạo diễn cho rằng đạo diễn tạo cuộc chơi cho điện ảnh, nhưng người quyết định cuộc chơi lại là khán giả.

Khi khán giả không chấp nhận, người có vấn đề là đạo diễn.

Anh không làm phim, anh cũng đâu có chết?

- Nhiều năm làm phim chiếu Tết, có đúng khi nói Nhất Trung giàu kinh nghiệm nắm bắt thị trường điện ảnh?

- Hiện tại có nhiều nhà sản xuất giỏi, tôi chỉ tự nhận mình nằm ở tầm khá của thị trường. Ngoài những tác phẩm thành công thì tôi cũng có phim thất bại. Tôi vẫn thích làm tác phẩm mình thực sự tâm huyết. Tại vì tôi chỉ làm phim mình viết kịch bản.

10 năm làm phim, tôi chỉ mua duy nhất phim Cù lao xác sống của biên kịch trẻ. Tuy có lúc không may mắn, thất bại. Tôi nghĩ bản thân cần tích lũy nhiều hơn, vì hiện tại khán giả thay đổi rất nhanh.

Có những thứ mình nghĩ: Ôi cái này cũ quá, không ai xem nhưng vẫn có người xem. Có những thứ mình thay đổi nhanh quá, khán giả không chấp nhận. Nghề này là hành trình không mang tính thời điểm, không gì hơn ngoài tích lũy.

1

Đạo diễn Nhất Trung và dàn diễn viên tại buổi giới thiệu phim chiếu Tết Giáp Thìn.

- Năm nay có đến bốn bộ phim Tết ra rạp, đây là dịp tốt để phim đảm bảo doanh thu?

- Gặp lại chị bầu là phim Tết thứ năm của tôi. Làm nghề đến giờ, tôi phải thừa nhận thực tế rằng vai diễn chọn diễn viên, kịch bản chọn đạo diễn và bộ phim chọn chính ngày chiếu cho nó.

Có nhiều nhà sản xuất chọn ngày phim ra rạp, nhưng cuối cùng phải dời lịch, tự rời rạp vì đối thủ mạnh quá, phim gặp trục trặc ở một khâu nào đó. Với tôi, nhà phát hành ưu ái cho tôi ở nhiều phim chiếu Tết.

Đương nhiên thất bại ở 1990 giúp tôi nhìn bản thân phải làm bộ phim tốt hơn. Đôi khi kịch bản gốc hay, nhưng cái sai của tôi là không làm ra được bộ phim tốt.

Tôi nhận ra cái sai của mình, và nhận thấy mình phải nghiêm khắc với bản thân trong hành trình Gặp lại chị bầu là vậy. Tôi tin mình luôn nghiêm khắc với bản thân, cố gắng làm ra tác phẩm thành công nhất có thể.

- Nhất Trung đã ở đâu trong ngành công nghiệp điện ảnh?

- Ngoài làm phim, tôi có 5 công ty, hệ sinh thái giải trí riêng.

Tôi có công ty chuyên cung cấp máy móc, thiết bị đến các đoàn phim. Tôi có công ty chuyên làm hậu kỳ, công ty về công nghệ cho giải trí cũng mang đến doanh thu tốt.

Ngoài ra, tôi có công ty chuyên sản xuất phim, làm ăn tương đối ổn nên không quá lo về điều đó.

- Đó cũng là lý do anh làm phim ít?

- Nhiều công ty chỉ là một phần, lý do chính là tôi đã già.

Tôi nhận ra rằng, hành trình của mình phải thay đổi, đừng chỉ làm phim. Một người anh từng hỏi tôi tại sao cứ làm phim? Tôi có đáp trả là “Em làm đạo diễn, không làm phim biết phải làm gì?”.

Anh ấy có hỏi rằng có chắc làm phim làm vui không?

Câu mà khiến tôi suy nghĩ là “Anh không làm phim, anh cũng đâu có chết?”.

Ngành điện ảnh Việt quá nhỏ nhưng rất ồn ào

- Theo anh, vì sao giới làm phim lại bi quan, thậm chí có người nghĩ đến chuyện không làm phim nữa?

- Tôi phân tích thế này, hơn 30 bộ phim Việt, tổng doanh thu phim Việt một năm khoảng 1.500 tỷ đồng. Hơn 30 nhà sản xuất mà chỉ mang lại doanh thu khoảng 50 triệu USD. Tôi nói thật, con số đó còn nhỏ hơn doanh thu công ty sản xuất điều. Tôi có một người bạn, mỗi năm ông xuất khẩu điều, thu từ 70-100 triệu USD.

Nói như vậy để thấy rằng ngành công nghiệp phim ảnh quá nhỏ, nhưng lại là ngành nhiều ồn ào.

Dần dần, tôi nhận thấy giá trị ngành phim ảnh mang lại không quá nhiều nhưng sự phức tạp quá lớn.

Tôi may mắn những năm qua dần bước ra lĩnh vực phim ảnh, đầu tư vào giáo dục, y tế. Nhưng nói tôi không làm phim nữa thì không hẳn. Hiện tại tôi làm phim vừa đủ, công ty kết hợp với đạo diễn khác.

Mỗi năm, tôi muốn có khoảng 1-2 bộ phim, phù hợp với nhiều tầng lớp khán giả.

Đạo diễn Nhất Trung: '1.200 tỷ đồng của toàn ngành điện ảnh Việt thua cả doanh thu một công ty xuất khẩu hạt điều' ảnh 3Đạo diễn Nhất Trung: '1.200 tỷ đồng của toàn ngành điện ảnh Việt thua cả doanh thu một công ty xuất khẩu hạt điều' ảnh 2

Đạo diễn, nhà sản xuất Nhất Trung từng thành công với 49 ngày, Bệnh viện ma, Cua lại vợ bầu, Nắng...

- Có những đạo diễn sống chết với điện ảnh, thậm chí bán nhà làm phim, còn anh?

- Thật ra tôi cũng đặt cược vào bộ phim lần này đó chứ, nhìn vào dàn diễn viên, ê-kíp trẻ của Gặp lại chị bầu là thấy. Lần đầu Anh Tú, Diệu Nhi đóng vai chính thực sự. Lần đầu diễn viên trẻ Ngọc Phước, Quốc Khánh đảm nhận tuyến hài chính.

Nhìn lại hành trình làm phim của tôi, tôi sống chết với nó, thử nghiệm đủ thể loại, từ xuyên không, người nhìn thấy ma, đa nhân cách, người thiểu năng như 49 ngày, Bệnh viện ma, Nắng…

Nói tôi không tâm huyết với điện ảnh thì không phải.

- Anh khá tỉnh táo và thực tế so với nhiều đạo diễn, vậy anh nhận định thế nào về thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại?

- Khoảng 3 năm qua, kinh tế khó khăn nhưng vẫn có nhiều cụm rạp phát triển mạnh. Nhưng thật sự họ đang lỗ nặng.

Thông tin mà tôi buồn nhất là ngày mới vào ngành năm 2010, giá vé xem phim là 40-50.000 đồng. Sau 10 năm, giá vé chỉ hơn 60.000 đồng, hiện tại nâng lên mức sàn khoảng 70.000 đồng, nghĩa là chỉ tăng khoảng 50%.

So sánh thế này, miếng đất mua năm 2010 có thể tăng gấp 100 lần, rõ ràng ngành điện ảnh Việt đang thiệt thòi.

- Đâu là giải pháp giúp rạp chiếu khởi sắc và thúc đẩy ngành điện ảnh?

- Gần đây, các nhà rạp cùng làm đơn gửi Bộ Công thương xin tăng giá vé, khuyến mãi các phần bắp, nước. Từ đó, tôi thấy doanh thu rạp chiếu bắt đầu cải thiện nhưng vẫn đang lỗ.

Tôi thương các cụm rạp, vì nếu như không có rạp phim, đạo diễn và diễn viên sống bằng gì?

- Như vậy, có đúng khi nói tình trạng "phim ghét, phim thương", ồn ào ép suất chiếu ngoài rạp cũng chỉ vì doanh thu?

- Tôi khẳng định nhà rạp nào cũng mong phim thành công để thúc đẩy doanh thu rạp chiếu. Và cũng không có chuyện nhà rạp ép suất chiếu của phim. Có thể tại thời điểm nhất định, phim thành công ở khu vực đó và được ưu tiên suất chiếu hơn.

Thị hiếu xem phim khán giả từng khu vực, vùng - miền cũng khác nhau. Thời gian ra rạp, chọn phim càng không giống. Có những bộ phim chỉ trụ ở rạp được vài ngày và hết khách.

Ở mỗi cụm rạp, công suất chiếu hạn chế. Cho nên việc lên áp rạp chiếu, bóc phốt rạp chèn ép phim là không đúng.

- Sau cùng, anh kỳ vọng thế nào về tương lai điện ảnh Việt?

- Tôi có niềm tin vào điện ảnh Việt, tin rằng ngành này sẽ phát triển. Tôi muốn lùi về sau, tạo cơ hội phát triển cho thế hệ dưới. Những người như tôi và các đàn anh phải làm tròn vai trò người dẫn dắt.

Tôi yêu cái nghề này và sẵn sàng đầu tư cho các bạn trẻ. Tôi đặt niềm tin vào thế hệ đạo diễn kế thừa, có thể làm nên những bộ phim trăm tỷ đồng mới, tạo luồng gió mới cho thị trường. Tôi có khác hơn là yêu mến các bạn trẻ nhưng phải tỉnh táo, đầu tư vào những bộ phim hay.

Tâm huyết của tôi là tìm ra thế hệ tiếp theo để kế thừa giá trị người đi trước để lại.

- Cảm ơn đạo diễn Nhất Trung về cuộc trò chuyện.

In Gửi Email