Cập nhật lúc: 30/03/2022

Cần thể hiện rõ sự gắn kết giữa điện ảnh và phát triển kinh tế- xã hội

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, các chính sách cần thể hiện rõ và đầy đủ hơn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, phát triển ngành điện ảnh, trên cơ sở đó xác định điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 29/03
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 29/03

Trình bày Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau là chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh.

Có ý kiến đề nghị, các chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh nên quy định tại một điều. Một số ý kiến đề nghị quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số chính sách cụ thể.

"Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, bổ sung một số chính sách theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan; gộp điều 5 và điều 6, quy định chung chính sách về điện ảnh và công nghiệp điện ảnh trong điều 5 của dự thảo Luật; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước và hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện; đồng thời lược bỏ một số quy định trùng lặp về công tác quản lý nhà nước đã được quy định ở Điều 45 Luật này…", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo đục nêu rõ.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Cho ý kiến về nội dung này, các đại biểu cho rằng, các chính sách cần thể hiện rõ và đầy đủ hơn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, phát triển ngành điện ảnh, trên cơ sở đó xác định điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khẳng định đây là vấn đề lớn, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, phát biểu khai mạc Chủ tịch Quốc hội đã quán triệt về vấn đề này với mong muốn cần thể hiện rõ, đầy đủ chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa phát triển ngành điện ảnh. Trên cơ sở đó xác định điện ảnh vừa là nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu, khi xem tất cả các điều, khoản tại dự thảo Luật vẫn chưa thể hiện rõ nét về vấn đề này, ngoại trừ khoản 1 Điều 5 quy định nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

“Trong các điều, khoản chưa có thấy sự gắn kết và mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế. Kinh nghiệm áp dụng pháp luật trong thực tiễn thời gian vừa qua, nếu quy định chung như vậy rất khó để đi vào trong thực tiễn của cuộc sống..”, đại biểu lưu ý.

Do đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ trong ngành công nghiệp điện ảnh liên kết với công nghiệp khác trong phát triển kinh tế - xã hội tập trung gồm những lĩnh vực nào cần quan tâm đầu tư, trong đó những lĩnh vực nào ngân sách đầu tư, những lĩnh vực nào vận động xã hội hóa.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Về nội dung này, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, về khía cạnh phát triển điện ảnh là một ngành công nghiệp, tức là khía cạnh ngành kinh tế thì các nội dung đưa ra tại dự thảo Luật còn tương đối mờ nhạt, nếu không cụ thể hóa, nhất là những giải pháp sau này để thực thi thì sẽ rất khó khả thi.

“Nếu phát triển điện ảnh là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế thì phải có các giải pháp về kinh tế, phải có các biện pháp về kinh tế. Ở đây, rõ ràng vấn đề về chính sách ưu đãi, hỗ trợ hết sức quan trọng, tín dụng, đất đai, đặc biệt là chính sách thuế nhưng trong các quy định còn rất chung chung….”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng để cụ thể hóa, nếu không cũng cần dự liệu các giải pháp rõ ràng. Đồng thời, đề nghị cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và trình trong các dự án luật cụ thể liên quân đến các chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai, về tín dụng, v.v. cần xem xét, rà soát đồng bộ các luật có liên quan.

Đồng tình với các quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho biết, Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật quy định rất rõ "nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".

Khẳng định chủ trương là hoàn toàn đúng đắn tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, nội dung quy định tại dự thảo luật chủ yếu lại tập trung vào các quy định về quản lý hành chính mang tính cấm đoán, kiểm soát nhiều hơn, các quy định đa phần nêu về quyền, nghĩa vụ và những điều kiện phải thực hiện.

“Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định theo hướng thực sự khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động điện ảnh,...”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu cũng lưu ý, cần cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm góp phần cho việc khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế khác tham gia vào hoạt động điện ảnh. Theo đó, đề nghị bỏ khoản 4 Điều 5, vì nội dung này sẽ trùng với quy định tại khoản 1 và khoản 3 của điều 5, nếu để quy định trong nội dung này thì phạm vi mà nhà nước khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh sẽ bị thu hẹp so với nội dung đã quy định trước đó.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để tạo nguồn lực tốt hơn cho phát triển điện ảnh; về chính sách đột phá, chính sách ưu đãi, mối liên quan điện ảnh với phát triển kinh tế - xã hội; quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và nhiệm vụ chi đối với ngân sách nhà nước, Quỹ tư nhân về phát triển điện ảnh./.

L. Anh

In Gửi Email