Tại buổi gặp mặt,
các đại biểu đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của nền điện ảnh cách
mạng Việt Nam nói chung và Điện ảnh Đắk Lắk nói riêng. Cách đây 60 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp bước vào giai đoạn cuối, ngày 15/3/1953, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng
và Chụp ảnh Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và khi đất
nước thống nhất cho đến hôm nay, ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã tích cực
hoạt động và đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữ
gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực sự là mũi nhọn trên lĩnh vực văn
hóa và tư tưởng
Năm 1968, Bộ chỉ huy mặt trận Tây nguyên cử đội chiếu bóng đầu tiên đem phim ảnh cách mạng phục vụ nhân dân và chiến sỹ vùng căn cứ và vùng giải
phóng phía nam tỉnh Đắk Lắk. 45 năm qua, cùng với nền điện ảnh nước nhà, Điện ảnh
Đắk Lắk đã làm tốt công tác tổ chức phổ biến những tác phẩm điện ảnh đến với mọi
tầng lớp nhân dân, là một trong những lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng
văn hóa của Đảng, và đang từng bước đẩy mạnh xây dựng nền Điện ảnh Việt Nam
theo hướng đổi mới và hội nhập.
Phát biểu tại buổi
gặp mặt, Đ/c Cao Đức Khiêm – Phó bí thư thường trực tỉnh Ủy đánh giá cao những
thành tựu mà Điện ảnh Việt Nam nói chung và Điện ảnh Đắk Lắk nói riêng đã đạt
được trong những năm qua. Đồng thời nhấn mạnh Điện ảnh Đắk Lắk cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức lực lượng, giữ vững
những truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, tiếp tục đa dạng nguồn phim và
nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa để tạo nguồn lực phát
triển Điện ảnh, góp phần tích cực hơn nữa vào sự phát triển bền vững của tỉnh
Đắk Lắk.
Cũng trong dịp
này Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho tập thể Trung
tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Đắk Lắk; Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã tặng
Bằng khen cho 17 cá nhân có thành tích suất sắc trong xây dựng và phát triển Điện
ảnh tỉnh Đắk Lắk.
Lê Bình