Lớp bồi dưỡng đã quy tụ hơn 70
học viên là những cán bộ, nhân viên đang công tác tại các đơn vị Điện ảnh địa
phương thuộc các tỉnh, thành phố phía nam. Các học viên đã được các giảng viên,
là những kỹ sư, chuyên viên, quản lý ngành Điện Ảnh truyền đạt, với 2 chuyên đề
chính, gồm: “Kỹ thuật sử dụng và bảo dưỡng thiết bị chiếu phim kỹ thuật số HD”;
Và chuyên đề “Kỹ năng tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu nội dung phim”. Đây
là những chuyên đề kỹ thuật mới, hiện đại, đã và đang được đưa vào sử dụng ở mạng
lưới chiếu bóng hiện nay, đặc biệt là đối với công tác chiếu bóng lưu động tại
các địa phương trong cả nước.
Với phương châm giảng dạy hiện đại,
sau mỗi phần lý thuyết các học viên được trực tiếp thực hành trên các loại thiết
bị máy chiếu Kỹ thuật số HD, như: PANASONIC; NEC; OPTOMA..v..v. Đồng thời, hướng
dẫn các bước tháo lắp, bảo dưỡng từng loại máy, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng
và độ bền của máy. Bên cạnh đó, các giảng viên đưa ra những tình huống, giả thiết
về các sự cố trong quá trình lắp đặt, sử dụng các thiết bị máy chiếu phim,
để các học viên cùng nghiên cứu, trao đổi thảo luận. Thông qua cách giảng dạy mới
này, đã tạo
được sự hứng khởi học tập cho các học viên, đồng thời có thêm những kinh nghiệm
trong việc khai thác, sử dụng và xử lý máy chiếu phim khi có sự cố xảy ra.
Cùng với việc học trên lớp, các học viên
cũng đã được trải nghiệm thực tế buổi chiếu phim lưu động tại Buôn Kuốp, một buôn vùng
sâu, vùng xa khó khăn của xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lăk. Thông qua buổi chiếu
phim này, các học viên đã được giao lưu, học hỏi, nắm bắt kinh nghiệm chuyên
môn của đồng nghiệp, rút ra những bài học cho bản thân để công tác phổ biến
phim tại địa phương được tốt hơn.
Trong những năm qua, Điện ảnh vẫn luôn khẳng
định là một loại hình
văn hóa độc đáo không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người dân. Thông qua những tác phẩm Điện ảnh, các nhà phổ biến phim lồng
ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng
Phổ biến phim rất có ý nghĩa, giúp học viên là những cán bộ,
nhân viên làm công tác điện ảnh tại địa phương nắm vững kiến thức về công nghệ chiếu phim mới, từ đó
phát huy khả năng sẵn có của bản thân, tích cực trao đổi, nhằm làm chủ các kỹ
năng, nghiệp vụ chiếu bóng, phục vụ tốt hơn cho công tác đưa phim ảnh đến gần
hơn với nhân dân.
Sau 5 ngày học tập, lớp bồi dưỡng Phổ biến phim năm
2019 tại tỉnh Đắk Lắk đã kết thúc, 100% học viên được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Tại buổi bế giảng, Ông Đỗ Quốc Việt –
Phó Cục trưởng cục Điện ảnh đã trao giấy chứng nhận cho các cán bộ, nhân viên. Trong số
70 học viên tại lớp bồi
dưỡng, có 18 học viên ban đầu mới được tiếp cận với máy chiếu, sau khóa học đã vận
hành thành thạo; 30 học viên đã biết tháo lắp máy để bảo dưỡng, thay ống kính,
bộ lọc và 22 học viên đã biết khắc phục được một số lỗi máy, hỏng hóc thông thường.
Phát biểu tại buổi lễ Bế giảng, Ông Đỗ Quốc Việt – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết: "Chúng tôi tổ chức lớp ngoài những công việc phổ biến kiến thức ra học viên còn được trao đổi giao lưu để từ đó phát huy, phát triển những tiềm năng của các chương trình phổ biến phim tại các địa phương cũng như góp phần cho anh em liên quan đến trong ngành cập nhật lại, bổ sung những kiến thức còn thiếu cần học để thực hiện những nhiệm vụ chính trị liên quan đến phát hành và phổ biến phim ở các địa phương. Trong thời gian học năm ngày vừa qua tại Đắk Lắk đã thành công tốt đẹp và hơn 70 học viên đã học tập chăm chỉ và có những kết quả được các giảng viên và ban tổ chức đánh giá rất tốt, hiệu quả của việc tổ chức lớp học sẽ còn mong muốn được nhân rộng ra và từ những bài học kinh nghiệm rút ra được từ lớp tập huấn này tại Đắk Lắk"./.
Lê Bình (Trang TH Văn Hóa, Du lịch Đắk Lắk)